Ra mắt Ban liên lạc Đoàn Ca múa Bến Tre.
Nhạc sĩ Lan Phong - nguyên Trưởng đoàn Ca múa Bến Tre đã không khỏi bồi hồi xúc động.
Ông nêu: Năm 1978, Đoàn Văn công Giải phóng (VCGP) đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử và được tỉnh tách thành hai đoàn (ca múa, cải lương) để kịp thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Vừa xây dựng, phát triển lực lượng, vừa tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu để nâng cao nghề nghiệp cho anh chị em diễn viên đủ trình độ đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình theo tình hình mới.
Đến năm 1985, xuất phát từ tình hình nhiệm vụ mới, một bộ phận diễn viên đoàn được chuyển sang Nhà Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa). Đại bộ phận còn lại chuyển ngành làm nhiệm vụ khác.
“Đoàn Ca múa tuy hoạt động thời gian không dài nhưng trong suốt quá trình ấy đã xây dựng nhiều chương trình đáp ứng yêu cầu chính trị và phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều anh chị đã được cử đi đào tạo các trường lớp chính quy trở thành những hạt nhân xây dựng phong trào văn nghệ trong tỉnh. Nhiều anh chị cũng đã rèn luyện lớp con cháu kế thừa, nối tiếp con đường nghệ thuật”, nhạc sĩ Lan Phong nói.
Trải qua bao năm tháng, nhiều thành viên trong Đoàn Ca múa ngày ấy vẫn tiếp tục tham gia trong các phong trào, hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà, cổ vũ, cố vấn, góp sức cho lớp trẻ trong các hoạt động nghệ thuật ở các cấp.
Tham dự chung vui với ngày họp mặt của đoàn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng đoàn VCGP Bến Tre Trần Công Ngữ đã nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trong hoạt động nghệ thuật ngày ấy.
Ông chia sẻ: Tuy Đoàn Ca múa không hoạt động trong thời kỳ bom đạn ác liệt như tiền thân của đoàn trước đó, nhưng các anh chị em của đoàn cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật.
“Tôi cho rằng, đó là dòng chảy lịch sử được nối tiếp, kế thừa từ Đoàn VCGP Bến Tre để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ tỉnh nhà. Tôi cũng kỳ vọng, các lớp trẻ hiện nay và ngày sau sẽ là những người tiếp nối sự nghiệp của cha anh đi trước, thực hiện tốt nhiệm vụ và đưa sự nghiệp văn hóa phát triển vươn lên”, ông Trần Công Ngữ nói.
Từng là diễn viên của đoàn, ông Tấn Phương chia sẻ: Ngày ấy, khi được tiếp nhận vào hoạt động Đoàn Ca múa Bến Tre, tôi rất vui mừng và vinh dự. Tôi được mang lời ca, tiếng hát phục vụ công chúng và mọi người “cháy” hết mình, dù điều kiện ngày ấy còn rất nhiều khó khăn.
Ông Phương nhớ lại: “Tôi không thể nào quên những năm tháng đó, dù tỉnh còn vô vàn những khó khăn sau giải phóng nhưng lãnh đạo tỉnh nhà vẫn quyết tâm nuôi dưỡng đoàn ca múa, đoàn cải lương để phục vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Chúng tôi đã làm việc hết mình để không phụ lòng kỳ vọng của tỉnh”.
Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Đến nay, nhiều thành viên dù tuổi đời đã nhiều lên nhưng vẫn còn tâm huyết với nghệ thuật. Họ không chỉ là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào quần chúng ở địa phương, ở tỉnh mà còn là những người luôn sát cánh, cổ vũ cho hoạt động nghệ thuật của thế hệ trẻ.
Có thể nói, các thành viên của Đoàn Ca múa Bến Tre đã tạo nên một hình ảnh đẹp về một thế hệ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật để các thế hệ noi theo.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt