BDK - Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi giá trị dừa là điểm sáng nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa.
Xây dựng và cấp mã số vùng trồng
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, với tổng diện tích trên 80 ngàn héc-ta, Bến Tre trở thành tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, chiếm 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Tỉnh xác định cây dừa là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu nhập của hơn 200 ngàn hộ dân khu vực nông thôn. Những năm gần đây, diện tích trồng dừa liên tục tăng. Cây dừa đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt là cây công nghiệp trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Hiện nay, trái dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 14 quốc gia và sản lượng xuất khẩu hơn 26,7 triệu trái/năm. Để mở rộng thị trường cho sản phẩm tiềm năng này vào năm 2023, Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa thị trường cho trái dừa tươi vào thị trường Trung Quốc. Sau gần 1 năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của 2 nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng này.
Việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc đánh dấu cột mốc phát triển cho sản phẩm dừa uống nước, thúc đẩy kinh tế của người trồng dừa, tạo ra hiệu quả bước đầu khi giá dừa được ổn định hơn và nhiều doanh nghiệp (DN) tìm đến tỉnh để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 25-10-2024, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các DN ngành dừa tổ chức thành công “Lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc”.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số, với diện tích 8.391ha. Tập trung phân bố trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại và Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre. Toàn tỉnh có 14 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục tiếp nhận hồ sơ về xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói của công ty, DN, hộ kinh doanh… để kiểm tra, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật để Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, cấp mới MSVT, mã số cơ sở đóng gói đối với dừa tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra và giám sát việc xây dựng và cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.781ha. Tập trung phân bố đều trên địa bàn các huyện như: Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, với 8 DN lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Phát triển cây công nghiệp chủ lực của tỉnh
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, hướng tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về vị trí, vai trò của cây dừa trong định hướng phát triển cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Xác định cây dừa là cây trồng chủ lực, có giá trị đa dụng, tạo ra giá trị xuất khẩu cao. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị.
Chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách để hỗ trợ cải tạo, trồng mới, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cho các đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN tham gia sản xuất, kinh doanh dừa tươi, dừa hữu cơ gắn với cấp MSVT xuất khẩu. Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ dừa. Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu trong ngành dừa... Tạo điều kiện thúc đẩy và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích DN đầu tư vào sản phẩm dừa tươi, dừa hữu cơ của tỉnh.
Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, DN trên địa bàn khi đăng ký xây dựng MSVT, mã số cơ sở đóng gói. Triển khai hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, DN sử dụng phần mềm “Nhật ký đồng ruộng”, phần mềm “Quản lý cơ sở đóng gói” để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Khuyến cáo các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật như đã đề cập tại Nghị định thư và các quy định liên quan.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, giao thương hàng hóa, khảo sát thị trường và hỗ trợ các DN tỉnh tham gia hội chợ triển lãm thương mại ở trong nước, nước ngoài. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử, nhất là kết nối với các sàn quốc tế như Alibaba, Amazon… Phối hợp chặt chẽ với các đại sứ, tham tán thương mại để kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại với các nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.
“Một số tổ chức sau khi được cấp MSVT không sử dụng mà bán lại cho bên khác. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý MSVT. Thu mua dừa từ địa phương khác nhưng sử dụng MSVT không phù hợp, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đã đăng ký, dẫn đến các lô hàng bị phát hiện vi phạm kiểm dịch thực vật hoặc an toàn thực phẩm. Vi phạm trong sử dụng MSVT có thể dẫn đến việc các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc siết chặt kiểm soát hoặc thậm chí đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Những sai phạm làm giảm niềm tin từ các đối tác quốc tế, khiến việc đàm phán mở rộng thị trường trở nên khó khăn hơn. Nông dân và DN chân chính phải chịu thiệt hại khi thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực”.