Định hướng phát triển bền vững ngành dừa

12/12/2018 - 07:57

BDK - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo vừa có cuộc làm việc với Hiệp hội Dừa Bến Tre cùng các đơn vị có liên quan về tình hình phát triển ngành dừa trong năm 2018. Buổi làm việc đã có nhiều ý kiến thảo luận, phân tích sâu các vấn đề liên quan đến thực trạng sản xuất, chế biến, giá cả và xây dựng chuỗi giá trị dừa.

Các cơ sở sơ chế dừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Tăng thu nhập cho người trồng dừa

Năm 2018, diện tích dừa toàn tỉnh đạt 71.461ha, sản xuất, kinh doanh ngành dừa được duy trì và tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp (DN) đã tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới, cải thiện phát triển điều kiện sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn sau khi trái dừa “rời vườn” để sơ chế, tiêu thụ đã tạo ra giá trị gia tăng cao cho trái dừa. Tuy nhiên, tình hình giá dừa thu mua tại vườn thấp, làm ảnh hưởng tới đời sống của người trồng dừa, người nông dân chưa hưởng được nhiều phần giá trị gia tăng từ trái dừa.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dừa Bến Tre, giá dừa bán ra tại vườn ghi nhận vào thời điểm đầu năm 2018 là 60 - 70 ngàn đồng/chục 12 trái loại 1. Từ tháng 5 - 6, giá dừa giảm thấp, có lúc 25 - 40 ngàn đồng/chục, các tháng 7 - 9 từ 30 - 40 ngàn đồng/chục. Riêng các vùng trong chuỗi liên kết thì các DN mua 50 ngàn đồng/chục theo đúng cam kết. Giá dừa uống nước, nhất là dừa xiêm xanh luôn ổn định ở mức giá cao từ 70 - 75 ngàn đồng/chục trong thời gian dài.

Giá dừa chịu nhiều sự tác động từ thị trường nhưng thực tế cho thấy, đa số người trồng dừa không chỉ sinh sống chủ yếu dựa vào cây dừa mà còn mưu sinh bằng nhiều nghề khác, phổ biến thói quen trồng dừa để giữ đất. “Người nông dân chưa thật sự đầu tư, chăm chút cho cây dừa, nên dừa tạp, dừa trồng dày, dừa lão còn nhiều; thiếu sự quan tâm tới chất lượng giống dừa, càng không xây dựng vườn dừa đạt hiệu quả mà chỉ trồng theo kiểu được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhận xét. Chính điều đó cũng là một trong các nguyên nhân vì sao người nông dân trồng dừa còn chịu tác động nhiều bởi giá trị trường. Diện tích trồng ít, manh mún, thiếu sự đầu tư về giống, chất lượng không đều, chưa có liên kết mạnh để tiêu thụ sản phẩm nên chịu nhiều thiệt thòi.

Bàn về giải pháp để nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh nêu ý kiến: “Một là thâm canh tối đa. Hai là phải trồng thêm, nuôi thêm cái gì đó trong cùng diện tích vườn dừa đã có để thu được nhiều hơn. Thứ ba là chuyển sang trồng dừa hữu cơ, cùng trên một diện tích nhưng bán được giá hơn. Có nhiều mô hình, cách làm nhưng người dân chưa quan tâm. Cần tùy theo điều kiện của mình để chọn lựa thực hiện nếu muốn sống với cây dừa”. Người trồng dừa phải làm sao nâng cao được năng suất, sản lượng, thu nhập thông qua cải tiến kỹ thuật canh tác, quan tâm đến giống, trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa.

DN cải tiến công nghệ

Về phía DN chế biến dừa, mặc dù thời gian qua đã có nhiều bước phát triển, mang lại giá trị cao nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, DN cũng gặp nhiều thách thức. Theo ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, DN gia nhập thị trường sau thì đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại, tối ưu. Khi đã có sản phẩm rồi thì phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của các quốc gia. Điều này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, đồng thời từ người lãnh đạo đến từng bộ phận của DN phải nâng cao về tầm quản lý và vận hành DN để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Dừa Bến Tre.  Ảnh: Thanh Đồng

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: “DN làm sao phải đầu tư, cải tiến các thiết bị, công nghệ đáp ứng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh về giá trên thị trường và theo chuẩn quốc tế”. Giữa người trồng dừa và DN cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để phối hợp hiệu quả. Trọng tâm mà Hiệp hội Dừa xác định trong năm 2019 là tiếp tục phối hợp với ngành chức năng để vận động người dân xây dựng chuỗi liên kết. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN, xây dựng các liên kết dọc, liên kết ngang, phát triển hình thức các DN chế biến vệ tinh gắn kết với các nhà máy.

Hiệp hội cũng đã xác định cụ thể 3 mục tiêu từ năm 2018 - 2020 trong phát triển ngành dừa của tỉnh là: đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, ưu tiên cải tạo nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người trồng dừa; hỗ trợ các DN đầu tư phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường; hoàn thành các đề án nghiên cứu khoa học phục vụ cho chế biến dừa.

Tạo diễn đàn chia sẻ cùng người trồng dừa

Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Dừa Bến Tre cùng các sở, ngành liên quan, ngoài trao đổi, thảo luận cách giải “bài toán” phát triển ngành dừa, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã chỉ ra vấn đề cốt lõi: “Chúng ta vẫn còn đang nói với nhau mà chưa nói với dân. Chưa nói với dân được là do chưa biết nói sao cho giống nhau. Ai cũng biết, cũng hiểu vấn đề nhưng lại tản mạn, manh mún, mỗi người nói một kiểu cũng như sự tản mạn, manh mún của người trồng dừa hiện nay. Chúng ta chưa có nhiều diễn đàn để tuyên truyền cho người dân, để cho người dân, cho DN, nhà quản lý cùng chung một quan điểm là: muốn ngành dừa phát triển thì phải xoay quanh 2 đối tượng là người trồng dừa và DN, cùng với 3 trụ cột là liên kết, chế biến sâu và sản xuất sạch. Những cuộc họp không thể chỉ dừng lại ở những kết luận, văn bản. Cần phải chuyển tải những quan điểm, chủ trương, giải pháp, định hướng đến với người dân, tạo thành cuộc “Đồng khởi” để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân”.

“Để thay đổi tư duy manh mún sang tư duy kinh tế nông nghiệp bài bản, chuyên nghiệp, cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò của báo chí truyền thông, vai trò tuyên truyền của đoàn thể, tư vấn của Hiệp hội Dừa, khả năng tham mưu chuyên môn của ngành nông nghiệp, phát huy vai trò tiên phong của các DN. Nhà nước giữ vai trò trung gian tác động, tạo sức mạnh tổng hợp. Lãnh đạo chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể, báo chí truyền thông phải có tiếng nói chung trong vận động làm thay đổi nhận thức của người dân” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo lưu ý.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN