Trưng bày các sản phẩm OCOP tại TP. Bến Tre. Ảnh: H. Hiệp
Những kết quả đạt được năm 2024
Năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đưa tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,89%. Thực hiện hoàn thành và vượt 10/10 chỉ tiêu cam kết của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Chủ tịch UBND tỉnh. Dịch bệnh trên cây trồng được quản lý và kiểm soát tốt. Diện tích cây trồng có sự chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trồng trọt tăng. Công tác kiểm lâm, phát triển, bảo vệ rừng thực hiện đúng quy định.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cảng cá, khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp phát triển ổn định. Trong năm 2024, đã phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư triển khai các dự án, công trình thủy lợi nghiệm thu đưa vào sử dụng 31 công trình, góp phần ngăn mặn, triều cường, cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp trong công tác thẩm định, phê duyệt 24 công trình, dự án để tiếp tục đầu tư, xây dựng. Công nhận 28/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 16/14 xã NTM nâng cao; 11/5 xã NTM kiểu mẫu; Mỏ Cày Nam đạt chuẩn huyện NTM; Châu Thành, Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM; Chợ Lách cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao. Chứng nhận 68/45 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đạt 151% chỉ tiêu. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản và vùng sản xuất tập trung, đến nay đã phát triển 3.633ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thành lập 1 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm công nghệ cao tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại với 30 thành viên tham gia.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn như: Diện tích sản xuất không tập trung, nhỏ lẻ gây khó khăn khi liên kết sản xuất cũng như áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tình hình liên kết doanh nghiệp còn khó khăn, doanh nghiệp chưa quan tâm liên kết, các tổ hợp tác (THT), HTX, chủ yếu bán sản phẩm qua thương lái. Giá tôm nguyên liệu giảm sâu khiến người nuôi rơi vào tình thế được mùa mất giá; kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ vay ngân hàng để đầu tư. Giá nguyên liệu đầu vào trong năm tăng nhiều so với mọi năm, hiện nay với giá tôm chi phí sản xuất bằng với giá bán.
Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chưa cao, một số ban hoạt động còn mang tính chất cầm chừng. Việc chấp hành các quy định về sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được thuyền trưởng, chủ tàu tuân thủ báo cáo, khắc phục theo quy định; một số công ty bán thiết bị chậm trễ trong công tác xử lý sự cố mất tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp dẫn đến việc xử lý vi phạm chậm.
Nguồn kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai các hoạt động như: thù lao cho lực lượng xung kích; ứng dụng khoa học công nghệ; công tác tuyên truyền, tập huấn; địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều hành và đầu tư công trình phòng chống thiên tai... Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa khép kín, các tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống dưới đê và nhiều tuyến đê sông, đê cục bộ và khu vực sau khi xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đến nay cao trình hiện trạng và bề rộng mặt đê đã giảm so với thiết kế... dẫn đến hàng năm tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Một số giải pháp, nhiệm vụ năm 2025
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tập trung làm lan tỏa cho được cuộc cách mạng nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, khẩn trương rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch NTM ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại gắn với phát triển du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia.
Tham quan mô hình trồng bưởi hữu cơ ở xã An Khánh (Châu Thành). Ảnh: P. Thảo
Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và gắn với biến đổi khí hậu. Tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm được chế biến sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị. Ngoài ra, từng địa phương cần chủ động rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của mình để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển mạnh và bền vững nền nông nghiệp của tỉnh.
Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, đồng nhất. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản thực hiện tốt lịch thời vụ và xử lý tốt dịch bệnh; thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cải tạo lại ao nuôi; xây dựng mô hình THT an ninh trên biển; tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Quan tâm củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho THT, HTX và các tổ chức đại diện của nông dân tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức vào nông nghiệp ở các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường.
Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thực hiện tốt công tác phòng, trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất.
“Năm 2025, tiếp tục tập trung công tác truyền thông các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Khẩn trương hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch nông thôn đối với các xã thẩm định, trình phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, bên cạnh đó tập trung huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt lồng ghép các chương trình, dự án khác, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng, từng bước hoàn thành các tiêu chí.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình tại cơ sở; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh; tiếp tục thực hiện các nội dung thành phần, các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)