Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn ngày 31-7-2021. (Ảnh chụp từ màn hình).
Diễn đàn nhằm tạo ra không gian đối thoại và giải quyết các vấn đề đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành phố triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg. Đại biểu tham dự mỗi diễn đàn, gồm đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông cửu Long, Đông Nam Bộ; đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành chăn nuôi, thuỷ sản; đại diện các nhà phân phối, các chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tổng quan tình hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, thuỷ sản và chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam; nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thủy sản một số tỉnh, thành phố; nhu cầu cung ứng/tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo Tổ công tác 970, Tổ sẽ cung cấp, kết nối thông tin của đơn vị cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Hiện Tổ công tác tập hợp trên 500 đầu mối tiêu thụ nông sản, tuy nhiên chỉ có 30% đầu mối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: Bến Tre hiện có một số ít mặt hàng như: nhãn, hiện tồn khoảng 1.400 tấn. Ngoài ra là dưa hấu, rau. Tỉnh có thành lập Tiểu ban hậu cần, có vai trò vừa kết nối với các hệ thống phân phối để tiêu thụ nông sản tồn đọng tại các địa phương. Đồng thời, vận động người Bến Tre tham gia tiêu thụ để chia sẻ khó khăn với người nông dân. Tuy nhiên, việc các tỉnh đồng loạt siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc vận chuyển hàng hóa cũng rất khó khăn. Thuận lợi của Bến Tre là thời điểm này các mặt hàng trái cây không nhiều.
“Điều đáng lo ngại là khoảng 2 tháng tới, tỉnh vào mùa vụ dừa. Nếu dịch bệnh kéo dài thì tình hình tiêu thụ chuỗi dừa sẽ gặp khó khăn. Mặc dù không bị ách tắc đầu ra nhưng khó ở khâu tổ chức sản xuất. Người làm ngành dừa mang tính truyền thống như: giựt dừa, thu gom dừa, sơ chế dừa” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức nói.
Phát biểu tại hai diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương, người dân, doanh nghiệp đã duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Thời gian tới các doanh nghiệp duy trì sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặc dù có những khó khăn ở một số nơi, một vài thời điểm nhưng chúng ta tiếp tục cố gắng duy trì và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành để tháo gỡ khó khăn. Riêng ngành nông nghiệp, Tổ công tác 970 trong thời gian qua đã luôn đồng hành với doanh nghiệp, địa phương, với chủ trương “khó ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó”.
Bộ đã có công văn gửi 18 tỉnh phía Nam đề nghị tỉnh giao quyền chủ động cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp các huyện, thành phố tập hợp danh sách sản phẩm, đơn vị sản xuất, công nhân để tạo điều kiện cho họ tham gia vào các chuỗi; tạo điều kiện tiêm vắc-xin cho các đối tượng tham gia chuỗi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh duy trì, quan tâm các nhà máy chế biến, đóng gói, cơ sở đóng gói để duy trì hoạt động vừa đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19; tạo điều kiện đảm bảo cho người dân được ra đồng duy trì sản xuất. Qua thực tiễn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có đề xuất giải pháp kích cầu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có đề xuất chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: Công nhân lao động tại các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do ở nhà trọ, trong đó có nhiều công nhân khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm để cung cấp bữa ăn hàng ngày… Tổ công tác vận động Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi tỉnh có chương trình hỗ trợ lương, thực phẩm cho đối tượng là công nhân lao động trong và ngoài tỉnh, giúp động viên lực lượng này tiếp tục ở trọ, cách ly, thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tiếp tục sản xuất sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tổ công tác sẽ huy động xe để vừa kết nối hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho công nhân TP. Hồ Chí Minh, vừa giúp tiêu thụ nông sản tồn đọng tại các địa phương.
Tin, ảnh: C. Trúc