Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”

13/12/2024 - 11:13

BDK.VN - Thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 13-12-2024, tại Bến Tre, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.

Đại biểu tham dự diễn đàn.

Nhà báo Trần Cao - Phó tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hoà chủ trì diễn đàn.

Tham dự có đại diện Bộ NN&PTNT; Hiệp hội Dừa Việt Nam; Viện Cây ăn quả miền Nam; Cục trồng trọt một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội rau quả Trung Quốc, DN sản xuất và kinh doanh dừa của Việt Nam; hợp tác xã (HTX) sản xuất dừa: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Định… 

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, đại biểu trình bày các tham luận: Quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch đối với sản phẩm dừa xuất khẩu vào các thị trường. Hướng dẫn đăng ký xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. 

Xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi, dừa hữu cơ đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Quản lý tổng hợp một số dịch hại phổ biến trên cây dừa. Thuận lợi và khó khăn trong việc đáp ứng các quy định của thị trường trong xuất khẩu dừa. Thảo luận, chia sẻ của các hội, hiệp hội, địa phương, DN, HTX, cá nhân…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024.

Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195 - 210 ngàn héc-ta; vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 170 - 175 ngàn héc-ta, vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ diện tích 16 - 20 ngàn héc-ta, còn lại 9 - 15 ngàn héc-ta được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...

Chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như: Dừa Xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất; với vườn dừa nuôi xen, cần phải được quản lý theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; vùng ĐBSCL tại các tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng...), vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tại các tỉnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa...). Phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch.  Xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất; tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200 ngàn ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Những bước tiến tích cực như việc Mỹ và Châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.

Riêng với thị trường Trung Quốc, Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa. Hàng năm, nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa. Trong đó, có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế. Đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.

Nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường này, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - một trong những DN xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thuỷ phát biểu.

“Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua đó, hỗ trợ DN, HTX và nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị trường. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu như Trung Quốc. Đồng thời, hướng tới tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam. Diễn đàn hy vọng sẽ trở thành cầu nối chiến lược trong chuỗi giá trị dừa, để các bên liên quan cùng nhau nắm bắt cơ hội hợp tác, đổi mới phương thức sản xuất và tận dụng tối đa các tiềm năng từ thị trường trong và ngoài nước, đưa ngành dừa Việt Nam vươn lên, sẵn sàng chinh phục cột mốc tỷ đô”, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thuỷ nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN