Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 8-6-2020: Nước Mỹ trên 2 triệu người mắc bệnh; số ca tử vong tại Mỹ Latinh tăng vọt

08/06/2020 - 06:47

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 109.775 trường hợp mắc COVID-19 và 3.276 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt quá 7 triệu người. Khu vực châu Mỹ, nhất là Mỹ Latinh, chứng kiến đại dịch diễn biến phức tạp, theo hướng nghiêm trọng hơn; trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang đẩy nhanh nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.


Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Brasilia, Brazil, ngày 4-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8-6-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.078.897 ca, trong đó có 404.975 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.453.287 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.663 và 3.220.635 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước châu Á và châu Âu, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai ngày càng rõ.

Trong 24 giờ qua, thế giới có 4 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 300 ca là Chile (649 ca), Brazil (454 ca), Mỹ (370 ca) và Mexico (341 ca). Cho tới thời điểm sáng 8-6-2020, có tới 13 quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm từ trên 150.000 ca trở lên.

Diễn biến dịch đang có chiều hướng xấu đi tại Mỹ Latinh, với số ca mắc mới và tử vong trong ngày tăng vọt. Tâm dịch của thế giới - nước Mỹ - dù số ca tử vong trong ngày có giảm so với tuần trước, song số ca dương tính mới vẫn rất cao (gần 20.000 trường hợp mỗi ngày).


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile ngày 26-5-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, dù xu thế dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Tính tới sáng 8-6-2020 theo giờ Việt Nam, số ca mắc COVID-19 tại "xứ sở cờ hoa" đã vượt quá 2 triệu người.

Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận 18.423 ca dương tình với virus SARS-CoV-2 và 370 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và thiệt mạng tại nước này lên lần lượt 2.006.967 và 112.466 ca.

Song Mỹ hiện đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh mới khi các bang đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại, giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc bùng nổ ở hơn 300 thành phố của Mỹ hiện nay.


Bất chấp dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân đã xuống đường biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại New York, Mỹ, ngày 6-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại tâm dịch của Mỹ là thành phố New York, phát biểu trước báo giới ngày 7-6-2020, Thị trưởng thành phố, ông Bill de Blasio cho biết chính quyền quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ngay lập tức, trong bối cảnh thành phố nổi tiếng này của Mỹ sắp mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa vì dịch COVID-19.

Ông hy vọng thành phố sẽ đáp ứng được hai tiêu chí còn thiếu để đạt đủ 7 tiêu chí mở lại hoạt động do bang quy định trước ngày 8-6-2020: Đó là có đủ 30% giường bệnh trống và có đủ lực lượng làm công tác truy xuất tiếp xúc của những người đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2.

Trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa trở lại, ngành bán lẻ, sản xuất và xây dựng được trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cả Thị trưởng Bill de Blasio và Thống đốc Cuomo đều khá thận trọng cho rằng người dân New York cần phải tiếp tục phòng ngừa.


Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Santiago, Chile, ngày 20-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mở rộng ra toàn khu vực Mỹ Latinh, dịch COVID-19 đang lan rộng một cách đáng quan ngại tại khu vực này, xét cả về chỉ số người mắc mới, số ca tử vong và tốc độ lây lan.

Tới hết ngày 7-6-2020, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 121 trường hợp tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 36.078 người, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh cũng lên tới 678.360 người.

Như vậy, Brazil là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 6-6-2020 cảnh báo có thể rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu WHO không ngừng việc hoạt động như một “tổ chức chính trị có tính đảng phái” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.


Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Breves, đảo Marajo, bang Para, Brazil, ngày 25-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chile trong 24 giờ qua là quốc gia Mỹ Latinh có số ca tử vong cao nhất và cũng là cao nhất thế giới, với 649 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.190 người.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Chile cũng tăng thêm 6.405 người trong ngày 7-6-2020. Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 134.150 người.

Hiện vẫn còn khoảng trên 22.000 trường hợp đã được theo dõi y tế, trong đó có 1.294 trường hợp đang được điều trị tích cực bằng máy thở.


Lực lượng phòng vệ và dân sự Peru đóng gói lương thực cứu trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Lima ngày 28-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Peru cũng ghi nhận thêm 4.757 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 196.515 trong đó có 5.465 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) cảnh báo những cộng đồng thổ dân tại vùng Amazon đang chịu “nguy cơ nghiêm trọng” do dịch bệnh COVID-19 gây ra, và hối thúc các nước trong khu vực tăng cường biện pháp bảo vệ.

Vùng rừng nhiệt đới và châu thổ sông Amazon bao gồm các phần lãnh thổ của 8 quốc gia Nam Mỹ, gồm Brazil, Peru, Colombia, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Guyana và Surinam, và là nơi trú ngụ của 420 sắc tộc thổ dân thiểu số, trong đó có 60 sắc tộc sinh hoạt theo lối biệt lập tự nguyện.

Cơ quan này chỉ ra những vấn đề chính mà các cộng đồng này phải đối diện trong bối cảnh bệnh dịch hiện tại, như thiếu khả năng tiếp cận thông tin y tế đáng tin, không có hạ tầng và dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu cấp bách hiện tại.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

UNHCR cũng chỉ trích nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực này bất chấp các biện pháp giãn cách, chưa kể sự đe dọa thường trực từ các phần tử vũ trang liên quan tới tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.

UNHRC hối thúc các quốc gia châu thổ Amazon tạm ngừng, hoãn ban hành luật và cấp phép cho các dự án khai thác và phát triển gần nơi sinh sống của các cộng đồng thổ dân và tiến hành khám phòng ngừa với thông tin đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sắc tộc thiểu số này.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo về tác động có thể tới mức thảm khốc của COVID-19 đối với các cộng đồng thổ dân Amazon, và nhắc nhở rằng những nhóm cư dân trên vốn "có tỉ lệ cao" về mất an ninh lương thực, tiểu đường đường tuýp 2 và các bệnh đặc thù của khu vực này như lao và sốt rét, “yếu tố khiến họ càng dễ bị tổ thương với đại dịch hiện tại”.


Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi xe buýt tại London, Anh ngày 18-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, xu thế hạ nhiệt vẫn giữ được đà và nhiều nước đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại.

Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15-6-2020  để cho "các tín đồ cá nhân" đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong khi đó, các dịch vụ hay các nhóm cầu nguyện tập thể sẽ vẫn bị cấm trong thời gian này do lo ngại virus SARS-CoV- 2 có thể lây lan nhanh trong các không gian khép kín.

Nhà chức trách Anh đang thúc đẩy một cách thận trọng việc mở cửa lại một phần các trường học, nối lại các hoạt động kinh doanh cơ bản vốn bị đóng cửa khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa vào ngày 23/3. Chính phủ Anh cũng có ý định mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng trên toàn quốc vào ngày 15-6-2020. Nhà hàng và quán rượu sẽ được phép hoạt động với số khách ở mức hạn chế trong vòng 1 tuần.


Người dân đi thuyền gondola tại thành Venice, Italy, ngày 30-5-2020 khi lệnh hạn chế do dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết ngày 7-6-2020, nước này đã ghi nhận thêm 197 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm từ trước đến nay lên thành 234.998 trường hợp. Số ca tử vong trong ngày là 53 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên thành 33.899 ca.

Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ở Italy cũng như số ca tử vong mỗi ngày đang trong chiều hướng giảm. Riêng trong ngày 7-6-2020, có tới 6 vùng ở Italy gồm Puglia, Friuli Venezia Giulia, Sardegna, Calabria, Molise và Basilicata không có ca nhiễm mới.

Cùng ngày, trong buổi đọc kinh truyền tin với các tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 ở Italy đã qua đi. Tuy nhiên, Giáo hoàng nhấn mạnh “cần phải cẩn thận, không được ăn mừng thắng lợi quá sớm và phải tiếp tục thực hiện các quy định về giãn cách xã hội”.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 7-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo có thêm 3.045 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 101.914 ca, trong đó có 712 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày tại Saudi Arabia tăng vượt 3.000 ca.

Bộ Giáo dục Israel ngày 7-6-2020 ra thông báo 130 trường học và nhà trẻ đã bị đóng cửa do xảy ra tình trạng học sinh và giáo viên mắc COVID-19 trong vòng 10 ngày qua. Chỉ tính riêng trong ngày 6-6-2020 đã có 24 ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong hệ thống trường học ở Israel.

Isarel hiện cách ly 17.605 học sinh và giáo viên, tăng thêm 1.282 người so với ngày 6-6-2020. Cho đến nay, 352 hoc sinh và giáo viên được chẩn đoán mắc COVID-19.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tel Aviv, Israel, ngày 1-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Y tế Israel, số ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Tel Aviv cao hơn so với Jerusalem kể từ hôm 6-6-2020. Trong những ngày qua, ngành y tế Israel đã tiến hành khoảng 13.000 lượt xét nghiệm ở Jerusalem, và khoảng 3.600 lượt ở Tel Aviv.

Cũng theo dữ liệu của bộ trên, Isarel đã ghi nhận thêm 111 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 17.863 người, trong đó có 298 ca tử vong.

Cùng ngày, các quan chức y tế nước Isarel đã bày tỏ sự lo ngại về một đợt bùng dịch mới ở khu vực Jaffa, khi đã có khoảng 10 người được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây.


Phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân phòng lây nhiễm COVID-19 tại thủ đô Algiers, Algeria. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tại Algeria, chính phủ nước này đã cho phép nối lại một số hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ quan trọng. Đây là một phần trong kế hoạch dỡ bỏ cách ly để khôi phục lại nền kinh tế bị đình trệ kể từ khi nước này thiết lập lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVD-19 từ giữa tháng 3 đến nay.

Theo đó, kế hoạch này sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ ưu tiên nối lại các hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, du lịch, thương mại…Tuy nhiên các hoạt động này sẽ được điều chỉnh với các quy định phòng dịch nghiêm ngặt do chính phủ ban hành trên từng lĩnh vực và ngành nghề.


Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Algiers, Algeria ngày 2-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày 14-6-2020. Tuy nhiên, việc có dỡ bỏ cách ly và nối lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của diễn biến dịch bệnh và sự chấp hành các quy định về ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Cho đến nay, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 10.050 ca mắc COVID-19 và 698 ca tử vong. Bên cạnh đó, tổng số bệnh nhân được chữa khỏi là 6.631 người. Hiện Algeria đang xếp vị trí thứ 4 trong số các quốc gia châu Phi có số ca nhiễm nhiều nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi (45.973 ca nhiễm và 952 ca tử vong), Ai Cập (32.612 ca nhiễm và 1.198 ca tử vong) và Nigeria (12.233 ca nhiễm và 342 ca tử vong).


Người bán hàng rong trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 24-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 8-6-2020, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.639 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.060 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới. Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.062 người dân ở khu vực này, tăng 59 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 103.305 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 50.326 trường hợp.


Phun thuốc khử khuẩn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Jakarta, Indonesia ngày 3-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.851 người tử vong. Malaysia sau một thời gian khống chế hiệu quả dịch bệnh, giờ đang đối mặt với mối lo ngại COVID-19 quay trở lại do liên tục ghi nhận các cơ dương tính mới trong mấy ngày qua.

Tuy nhiên, về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN