Trong 24 giờ qua, đã có 120.221 người mắc COVID-19 và 4.030 người tử vong. Trong đó, nước có nhiều ca mắc nhất trong 24 giờ qua là Brazil với 30.102 ca, tiếp đó là Mỹ với 21.763 ca. Các nước ghi nhận nhiều ca mắc còn có Nga, Ấn Độ và Peru.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất vẫn là ở Mỹ với 989 ca, tiếp đó là Brazil (890 ca), Mexico (371 ca), Anh (215 ca) và Ấn Độ (205 ca).
Về tình hình phát triển vaccine phòng COVID-19, ngày 30-5-2020, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Trung Quốc (SASAC) cho biết nhiều khả năng nước này sẽ có thể cung cấp ra thị trường một loại vaccine phòng COVID-19 ngay từ cuối năm nay.
Vaccine phòng chống dịch COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Novavax ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chia sẻ trên mạng xã hội trong nước WeChat, SASAC cho biết trong các thử nghiệm lâm sàng, trên 2.000 người đã được thử nghiệm dùng các loại vaccine do Viện Chế phẩm Sinh học Vũ Hán và Viện Chế phẩm Sinh học Bắc Kinh phát triển. Cả hai sản phẩm này đều đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II. Dây chuyền của Viện Chế phẩm Sinh học Bắc Kinh có thể sản xuất được khoảng 100 triệu đến 120 triệu liều vaccine/năm. Cả hai viện này đều chưa có phản hồi chính thức về thông tin từ SASAC. Trung Quốc có 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nga thông báo các nhà khoa học nước này lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 trong vòng 2 tuần tới. Một trong những dự án phát triển vaccine phòng COVID-19 tại Nga hiện do Viện Vektor thực hiện. Giám đốc viện này cho biết các khâu thử nghiệm lâm sàng có thể được hoàn thiện vào giữa tháng 9 tới.
Các nhà sản xuất dược phẩm trên toàn cầu đang nỗ lực phát triển những loại vaccine phòng bệnh và các cách chữa bệnh COVID-19. Có khoảng 10 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người và các chuyên gia dự báo quá trình phát triển một loại vaccine an toàn và hiệu quả cần từ 12 đến 18 tháng.
Thành phố New York lên kế hoạch mở lại hoạt động
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 26-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 29-5-2020, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo thành phố New York, một trong những tâm dịch lớn nhất của thế giới, sẽ bắt đầu mở lại các hoạt động vào ngày 8-6-2020, bước đầu tiên tiến tới chấm dứt lệnh phong tỏa đã kéo dài từ cuối tháng Ba tại đây.
Thống đốc Cuomo cho biết ông hy vọng thành phố New York sẽ đáp ứng được hai tiêu chí còn thiếu để đạt đủ 7 tiêu chí mở lại hoạt động do bang quy định trước ngày 8-6-2020: Đó là có đủ 30% giường bệnh trống và có đủ lực lượng làm công tác truy xuất tiếp xúc của những người đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV2. Trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa trở lại, ngành bán lẻ, sản xuất và xây dựng được trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cả Thị trưởng Bill de Blasio và Thống đốc Cuomo đều khá thận trọng cho rằng người dân New York cần phải tiếp tục phòng ngừa.
Tuần vừa qua, thành phố New York vẫn có tới trên 5.000 người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, đây là con số thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu tháng Tư khi mỗi tuần có khoảng 40.000 người dương tính với SARS-CoV-2.
Đại dịch COVID-19 đã khiến thành phố New York rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ khiến giới chức địa phương phải tính tới việc vay hàng tỷ USD để đảm bảo chi phí hoạt động cơ bản. Nhiều chuyên gia kinh tế và kể cả Thống đốc Cuomo tỏ ra khá lưỡng lự về việc cho phép thành phố vay nợ nhiều đến thế bởi lo ngại thành phố có thể rơi vào cảnh gần phá sản như hồi năm 1975. Thị trưởng de Blasio đang đề xuất để thành phố được phát hành trái phiếu nhằm có nguồn tiền đảm bảo hoạt động. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thành phố New York vay 7 tỷ USD để trang trải các khoản phải chi, thành phố này sẽ phải trả mỗi năm 500 triệu USD trong vòng 20 năm.
Trong khi đó, 5 khu vực nông thôn phía Bắc của bang New York đã được phép mở lại giai đoạn 2, tức là các văn phòng, các dịch vụ cá nhân và cửa hàng mua sắm được phép hoạt động dù vẫn phải tuân thủ một số hạn chế. Bang New York ghi nhận 67 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 29-5-2020, con số thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.
Dịch diễn biến phức tạp tại Nam Á
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ấn Độ ghi nhận 8.336 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 30-5-2020, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 181.827 người, trong đó số ca tử vong lên tới 5.185 sau khi ghi nhận thêm 205 ca.
Dự kiến, lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn 4 của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31-5-2020, và Bộ An ninh Nội địa Ấn Độ sẽ sớm công bố những hướng dẫn sửa đổi về việc tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa giai đoạn 5 trong 2 tuần tiếp theo. Trong giai đoạn này, nhà chức trách Ấn Độ sẽ tập trung công tác phòng chống dịch tại 13 thành phố lớn chiếm 70% tổng số ca nhiễm cả nước. Trong khi đó, một số bang, kể cả thủ đô Delhi, đã được phép nối lại hoạt động đi lại cá nhân, giao thông công cộng hạn chế, mở lại các cửa hàng (trừ trong trung tâm thương mại và khu phức hợp mua sắm) và các khu công nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã nối lại các chuyến bay nội địa và vận hành hàng nghìn chuyến tàu hỏa đặc biệt để chở người lao động di cư trở về quê nhà.
Trong khi đó, Bangladesh cũng xác nhận 1.764 ca nhiễm trong ngày 30-5-2020. Hiện tổng số ca nhiễm ở Bangladesh là 44.608.
Cùng ngày, Bộ Y tế Công cộng Afghanistan ghi nhận 866 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.525 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Pakistan đã lên tới 66.457 ca sau khi ghi nhận 2.429 ca trong ngày 30-5-2020. Số ca tử vong ở nước này hiện là 1.395 ca.
Brazil vẫn “nóng” nhất Mỹ Latinh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trước khi vào trung tâm thương mại ở Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
COVID-19 đang diễn biến mạnh tại khu vực châu Mỹ Latinh - điểm nóng dịch bệnh mới. Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực là Brazil với gần 500.000 ca mắc bệnh và trên 28.800 ca tử vong. Tiếp đó là Peru với 155.671 ca mắc và 4.371 ca tử vong.
Dịch bệnh không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với hệ thống y tế mà còn tác động khôn lường tới nhiều lĩnh vực trong đời sống. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” – những người chịu cảnh đói do không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, cả về khối lượng lẫn độ đa dạng – tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng gấp 4 lần trong năm nay. Cụ thể, khu vực này khép lại năm 2019 với 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, nhưng với tác động tiêu cực của dịch COVID -19, con số này có thể tăng trên 10 triệu người trong năm nay và lên tới 13,7 triệu người vào cuối năm.
Nga ghi nhận gần 9.000 người nhiễm trong 24 giờ qua
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga ngày 13-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến 6 giờ sáng 31-5-2020 (giờ Việt Nam), Nga ghi nhận 8.952 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh lên 396.575 người, trong đó 41,9% số ca không có biểu hiện lâm sàng.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga có 8.212 người hồi phục được xuất viện, nâng tổng số ngưởi khỏi bệnh lên 167.469 người, và có 181 người tử vong , nâng tổng số người tử vong lên con số 4.555 trường hợp.
Thủ đô Moskva là địa phương ghi nhận nhiềm ca nhiễm mới nhất với 2.367 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân tại thủ đô nước Nga lên 178.196 người. Moskva cũng có thêm 3.599 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 78.324, và 78 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 2.408 người.
Số bệnh nhân mới tại Ukraine và Belarus tăng ở mức 3 con số
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo cập nhật của Bộ Y tế Ukraine, Ukraine ghi nhận 393 trường hợp dương tính với COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 23.204 người. Trong 24 giờ qua, nước này có 17 trường hợp tử vong, nâng số người tử vong lên 696 người và tổng số bệnh nhân bình phục được xuất viện là 9.311 người.
Hiện 16.032 bệnh nhân tại Ukraine được điều trị tại nhà theo chế độ tự cách ly, 7.172 người được chữa trị tại bệnh viện. Số bệnh nhân nặng phải sử dụng máy trợ thở là 273 người.
Trong khi đó, Belarus ghi nhận tổng cộng 41.658 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 894 trường hợp so với thống kê một ngày trước đó. Trong vòng 24 giờ có 5 ca tử vong, nâng con số tử vong lên 229 người.
Theo các chuyên gia, Belarus đang đối phó được với dịch bệnh khi số ca dương tính trên tổng số ca xét nghiệm mỗi ngày không vượt mức 3%. Các cơ quan chức năng nước này đã thực hiện tổng cộng 512.418 xét nghiệm, thêm 13.169 xét nghiệm trong 24 giờ qua. Điều này có nghĩa là tỷ lệ xét nghiệm dương tính thực hiện vào ngày cuối cùng là 6,9%.
Belarus nằm trong danh sách 5 quốc gia ở châu Âu ghi nhận số các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trong 14 ngày qua. Nước này cũng nằm trong tốp 10 về số trường hợp COVID-19 trên 1 triệu dân.
Canada kéo dài lệnh cấm du thuyền lớn
Du thuyền Ruby Princess rời cảng Kembla, cách Sydney 80km. Ảnh: AFP
Mùa du lịch tại Canada đã trầm xuống khi Ottawa quyết định kéo dài lệnh cấm du thuyền lớn hoạt động trong vùng nước của Canada tới cuối tháng 10-2020 trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của COVID-19.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Marc Garneau cho biết, các tàu chở khách với trên 100 người qua đêm (gồm khách và thủy thủ đoàn) không được hoạt động trong vùng nước của Canada tới ít nhất là ngày 31/10. Trước đó, hồi trung tuần tháng 3/2020, Canada đã ban hành lệnh cấm tới tháng 7-2020 đối với các tàu chở trên 500 khách đi vào vùng nước của Canada. Từ nay tới ít nhất là 31-10-2020, các tàu với trên 12 khách cũng không thể vào khu vực Bắc Cực. Chính phủ Canada lo ngại rằng tàu có thể đưa dịch COVID-19 lây lan tới cộng đồng dân sống ở vùng sâu, vùng xa ở phương Bắc.
Bộ trưởng Garneau thừa nhận kéo dài lệnh cấm trên sẽ tạo ra thách thức lớn về kinh tế đối với ngành du lịch Canada, nhưng ông cũng nhấn mạnh: Để người dân Canada và các nhân viên làm việc trong lĩnh vực vận tải được an toàn là ưu tiên hàng đầu của ông trong đại dịch COVID-19.
Hoạt động du thuyền là một trong những lĩnh vực đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 khi hàng trăm du khách mắc virus SARS-CoV-2 trên các du thuyền ở khắp nơi trên thế giới.
Italy sắp ngừng cách ly đối với công dân khối Schengen
Khách thăm quan khu di tích Pompei của Italy ngày 26-5-2020, ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau một thời gian ngừng đón khách do dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ dẫn trong sắc lệnh của Chính phủ Italy công bố ngày 30-5-2020 cho biết từ ngày 3-6-2020, công dân thuộc các nước Schengen và Anh tới Italy sẽ không bắt buộc phải cách ly 14 ngày; quy định cũng áp dụng với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen kể từ ngày 15-6-2020.
Mặc dù Chính phủ Italy đã công bố thời điểm mở cửa biên giới, nhưng một số nước châu Âu như Hy Lạp, Áo, Thụy Sĩ… vẫn quyết định đóng cửa với Italy. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Luigi Di Maio cho rằng Italy cần được tôn trọng và cần một phản ứng chung của châu Âu, bởi nếu hành động theo cách khác biệt, không dựa trên tinh thần Liên minh châu Âu (EU), châu Âu sẽ sụp đổ.
Theo kế hoạch, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italy sẽ tới Đức vào ngày 5-6-2020, Slovenia vào ngày 6-6-2020 và Hy Lạp ngày 9-9-2020. Ngoại trưởng Luigi Di Maio nêu rõ: “Tại các cuộc gặp, tôi sẽ giải thích với các đồng nghiệp rằng Italy sẵn sàng tiếp đón du khách nước ngoài từ ngày 15-6-2020 và hành động với sự minh bạch tối đa. Tình hình nội bộ, tất cả các dữ liệu về số ca nhiễm, sẽ luôn được công khai. Chúng tôi không chấp nhận danh sách đen và chúng tôi không có gì để che giấu”.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30-5-2020 công bố nước này ghi nhận thêm 416 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 232.664 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 33.340 trường hợp (tăng 111 ca).
Trung Quốc tiếp tục không có ca lây nhiễm nội địa
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 20-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 30-5-2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo trong ngày 29-5-2020 tại Trung Quốc không có ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và cũng không có ca tử vong nào, nhưng có 4 ca nhiễm mới nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm nhập cảnh lên 1.738 ca.
Trong số ca nhiễm mới nhập cảnh nói trên, 2 ca được ghi nhận tại tỉnh Sơn Đông, một ca tại Thượng Hải và 1 ca tại tỉnh Quảng Đông.
Cũng theo NHC, thêm 11 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục tại Trung Quốc lên 78.302 người. Trong khi đó, 63 người vẫn đang được điều trị.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 39 ca mắc
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bucheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 28-5-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 30-5-2020 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tăng 39 ca, lên 11.441 ca. Tin vui là không có thêm ca tử vong nào trong khi đã có thêm 35 bệnh nhân COVID 19 ở Hàn Quốc bình phục, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.398 ca.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ ngày 6-5-2020 vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần 50% dân số Hàn Quốc. Ngày 28-5-2020, Chính phủ Hàn Quốc thông báo tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch tiếp tục lây lan.
Số ca mắc bệnh ở Ai Cập tiếp tục tăng mạnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30-5-2020, Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã ghi nhận 1.367 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca ở quốc gia Bắc Phi lên đến 23.449 người.
Trong mấy ngày vừa qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập tăng liên tục và ngày 30-5-2020 được coi là ngày có số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên ở Ai Cập vào hôm 14-2-2020 cho đến nay. Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã lên tới 913 người, sau ghi nhận 34 trường hợp tử vong trong ngày 30-5-2020.
Mặc dù Ai Cập đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động thương mại song nhà chức trách nước này vẫn tiếp tục áp dụng một số biện pháp, trong đó có việc gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần bắt đầu từ ngày 30-5-2020, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo nghị định được nội các Ai Cập vừa mới ban hành, tất cả các nhân viên làm việc tại các khu chợ, siêu thị, cửa hàng, ngân hàng, các tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước cũng như các khách hàng, người đến giao dịch đều bắt buộc phải đeo khẩu trang. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng đối với các hành khách đi trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như tư nhân.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng mạnh trong những ngày vừa qua, giới chức nước này cho rằng tỷ lệ nhiễm hiện vẫn chưa lên đến đỉnh điểm và số ca nhiễm được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến tận giữa tháng 6 tới.
Số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi vượt quá 30.000 người
Trên 70.000 binh sĩ Nam Phi được huy động để đảm bảo trật tự trong thời gian nước này áp dụng lệnh phong tỏa. Ảnh: Phi Hùng (P/v TTXVN tại Nam Phi)
Bộ Y tế Nam Phi ngày 30-5-2020 thông báo nước này đã ghi nhận 1.727 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 30.967 người, trong đó có 643 ca tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 21.708 người, nâng tổng số người được xét nghiệm tại nước này lên 701.883 trường hợp. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện, Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 15.093 ca mắc COVID-19 khỏi bệnh.
Nam Phi đã bước sang ngày thứ 64 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch, bắt đầu từ 1-6-2020, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm từng bước khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
TTXVN