Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 24-7-2020: Nhiều nơi có số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục

24/07/2020 - 07:28

Tính tới 6 giờ sáng 24-7-2020 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 15,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 635.000 ca tử vong. Số ca mắc mới không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn đạt kỷ lục ở một số nơi.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Breves, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 266.000 ca bệnh và trên 6.000 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia “nóng” nhất là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Đây là ba quốc gia có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua. Cụ thể là: Mỹ ghi nhận trên 64.000 ca bệnh mới; Brazil có thêm trên 55.000 người mắc COVID-19; còn số ca mắc mới ở Ấn Độ là trên 48.000 ca.

Ba quốc gia này cùng Mexico có số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Brazil (1.192 ca), Mỹ (1.055 ca), Mexico (790 ca) và Ấn Độ (755 ca).


Vaccine phòng COVID-19 được phát triển tại Đại học Chulalongkorn ở Saraburi, Thái Lan ngày 23-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho biết giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng COVID-19 với một số ít người được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vaccine đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng. 

Ông cho biết, các nhà nghiên cứu đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn khi một số mẫu vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch. Những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực hướng tơi vaccine phòng COVID-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.

Theo ông Ryan, WHO đang nỗ lực để đảm bảo việc phân bổ vaccine được thực hiện công bằng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thực tế là trong khi chờ đợi có được một loại vaccine hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, số bệnh nhân trên toàn thế giới không ngừng gia tăng.

Cùng ngày, hai tập đoàn sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ và BioNTech của Đức cho biết Chính phủ Mỹ sẽ chi 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do hai tập đoàn bào chế nếu sản phẩm chứng tỏ độ an toàn và hữu hiệu. 


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia ngày 18-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Liên quan tới việc sản xuất vaccine phòng COVID-19, ngày 22-7-2020, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto cho biết bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị ngân sách và nhân lực cho việc sản xuất cũng như quá trình tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19. 

Về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát hiện ra rằng người dân có khả năng mắc bệnh COVID-19 cao hơn từ chính các thành viên trong gia đình so với việc lây nhiễm từ cộng đồng. 

Một nghiên cứu được công bố tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 16/7 vừa qua đã phân tích chi tiết 5.706 bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và trên 59.000 người từng tiếp xúc với các bệnh nhân này.


Nhân viên y tế đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 25-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có chưa đầy 2% số người tiếp xúc với bệnh nhân không cùng hộ gia đình đã mắc COVID-19, trong khi gần 12% số người tiếp xúc với các ca bệnh là thành viên cùng nhà đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Xét ở khía cạnh nhóm tuổi, tỷ lệ lây bệnh trong cùng gia đình cao hơn khi những người bệnh đầu tiên là thanh thiếu niên hoặc người trong độ tuổi từ 60-70.  

Đồng tác giả công trình nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), Jeong Eun-kyeong, nhận định điều này nhiều khả năng là do các nhóm tuổi trên có thể có tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình nhiều hơn do đây là nhóm tuổi cần được quan tâm, chăm sóc hoặc bảo vệ hơn. 

Châu Mỹ: Mỹ ghi nhận 2.600 ca mắc mỗi giờ


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 10-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ ghi nhận trung bình thêm trên 2.600 ca mắc COVID-19 mỗi giờ. Đây là tốc độ lây nhiễm cao nhất thế giới và tổng số ca mắc tại Mỹ đã lên tới trên 4,1 triệu người.

Tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19 đang tăng nhanh tại Mỹ kể từ khi nước này phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 21-1-2020. Tổng số ca mắc tại đây tăng lên 1 triệu người 98 ngày sau đó, đạt đến 2 triệu người 43 ngày sau và lên tới 3 triệu người 27 ngày sau. Chỉ 16 ngày sau, con số này tăng lên 4 triệu ca với tỷ lệ lây nhiễm 43 ca mới/phút.

Trong số 20 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, Mỹ xếp thứ hai về số ca mắc tính theo đầu người với mức 120 ca nhiễm/10.000 người, chỉ sau Chile. Xét về số ca tử vong tính theo đầu người, Mỹ xếp thứ 6 trên thế giới với 143.000 ca tử vong, tức là 4,4 ca/10.000 người, sau các nước Anh, Tây Ban Nha, Italy, Chile và Pháp.


Các phương tiện xếp hàng tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 21-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân của tốc độ lây nhiễm tăng nhanh được cho là do chính quyền liên bang, các thống đốc bang và lãnh đạo thành phố tại Mỹ vẫn bất đồng về cách thức phòng dịch. Các quy định về những vấn đề như việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và thời điểm mở cửa lại các doanh nghiệp được áp dụng không đồng đều tại nước này. 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thị trưởng thành phố Washington Muriel Bowser đã thông báo siết chặt quy định về đeo khẩu trang ở thủ đô, yêu cầu người dân thành phố đeo khẩu trang ngay khi rời khỏi nhà. 

Theo thị trưởng Bowser, người dân thành phố nên đeo khẩu trang, đặc biệt là khi họ không thể duy trì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, quy định mới cũng có một số ngoại lệ, như không phải đeo khẩu trang khi tập thể dục ngoài trời hoặc ở vị trí xa người khác. 

Tương tự, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine cũng yêu cầu người dân trên toàn bang đeo khẩu trang khi ở trong các cửa hàng và khi đi ra ngoài mà không thể thực hiện được giãn cách xã hội. Lệnh này, bắt đầu có hiệu lực vào lúc 18h (giờ địa phương) ngày 23-7-2020, cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia hoặc điều khiển các phương tiện giao thông công cộng hay đi chung xe. 


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại California, Mỹ ngày 4-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng hàng không American Airlines cũng thông báo sẽ yêu cầu toàn bộ hành khách từ 2 tuổi trở lên phải sử dụng khẩu trang tại các sân bay và trên máy bay, bắt đầu từ ngày 29-7-2020. 

Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio tuyên bố tới đầu tháng 9 tới, ông mới quyết định có mở lại các trường học tại thành phố New York hay không bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn cho người dân. Ông cũng tuyên bố các trường chỉ được mở lại học trực tiếp toàn phần khi nước Mỹ có vaccine phòng chống COVID-19 phát cho người dân.

Dịch COVID-19 không chỉ làm cho hệ thống các trường ở New York tê liệt mà còn khiến thành phố vốn được mệnh danh là “thiên đường du lịch không bao giờ ngủ” mất đi cơ hội đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch tới đây hằng năm và thiệt hại 44 tỷ USD từ các khoản khách du lịch chi tiêu cho dịch vụ khách sạn, ăn uống và giải trí. Một số điểm du lịch nổi tiếng của thành phố New York đã không thể trụ nổi qua đại dịch được ví như cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1970 tới nay.     

Châu Á: Nhiều nơi có số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục

Ấn Độ 


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ghaziabad, Ấn Độ ngày 23-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ ngày 23-7-2020 đã ghi nhận trên 48.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số người mắc bệnh lên hơn 1,2 triệu, trong đó có trên 30.000 ca tử vong.

Maharashtra, Tamil Nadu, Delhi và Gujarat là những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 tại vùng thủ đô Delhi đã bắt đầu giảm. Nếu trong ngày 23-6-2020, Delhi ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày với gần 4.000 ca thì ngày 22-7-2020, con số này giảm xuống còn 1.349 ca. Trong tuần qua, có thời điểm số ca mắc COVID-19 tại Delhi giảm xuống dưới 1.000 ca.

Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) cho biết tính đến ngày 22-7-2020, nước này đã tiến hành tổng cộng hơn 15 triệu xét nghiệm, trong đó có ngày xét nghiệm hơn 350.000 lượt. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Nam Á này tiếp tục giảm và hiện ở mức 8,07%. Một số bang nơi số ca nhiễm tiếp tục tăng cao đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Tokyo


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo lần đầu tiên ghi nhận trên 300 ca mắc COVID-19 trong một ngày. 

Số ca mắc COVID-19 tại thủ đô Tokyo và một số vùng đô thị ở Nhật Bản đã tăng mạnh kể từ khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5 vừa qua. Trước thực trạng trên, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đã hối thúc người dân tránh ra ngoài nếu không cần thiết trong 4 ngày nghỉ lễ, bắt đầu từ ngày 23-7-2020. Trước đó, thủ đô Tokyo cũng đã nâng cảnh báo đại dịch lên mức cao nhất. 

Tuy nhiên, sau khi chính phủ công bố chương trình hỗ trợ du lịch vào ngày 22-4-2020, dư luận quan ngại nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan mạnh hơn. Tính đến nay, thủ đô Tokyo ghi nhận 10.054 ca mắc COVID-19.

Hong Kong 


Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 17-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 23-7-2020 thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 118 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 111 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là mức cao nhất về số ca lây nhiễm trong một ngày ở Hong Kong kể từ khi dịch bùng phát.

Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng trên 100 ca. Đa số các ca mắc mới lây nhiễm từ các nhà hàng ăn uống.

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang ngày một gia tăng trong 2 tuần qua, ngày 22-7-2020, chính quyền đặc khu này đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cũng như yêu cầu những người làm việc trong lĩnh vực dân sự không thiết yếu làm việc tại nhà thêm 1 tuần, đến ngày 2-8-2020. Cũng từ ngày 23-7-2020, Hong Kong bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng trong nhà, các trạm giao thông công cộng, trong vòng 14 ngày. 

Tính từ cuối tháng 1, đã có trên 2.000 người ở Hong Kong mắc COVID-19, trong đó có 14 ca tử vong. 

Trong khi đó, ngày 23-7-2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong ghi nhận 22 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. 

Hàn Quốc


Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thị trấn Hallim, đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 17-7-2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hàn Quốc ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng cao nhất trong 18 ngày - với 39 trường hợp, trong đó 11 ca tại thủ đô Seoul. Cùng với 20 ca nhiễm mới nhập cảnh trong ngày 22-7-2020, Hàn Quốc có thêm 59 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 13.938 ca. 

Như vậy, số ca mắc COVID-19 nhập cảnh Hàn Quốc đã liên tục tăng theo ngày ở mức 2 con số trong 28 ngày liên tiếp. Số ca nhập cảnh tăng là do người lao động Hàn Quốc hồi hương từ những nước có dịch như Iraq. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan từ người nhập cảnh, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã ban hành quy định người nước ngoài từ 6 nước được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao khi nhập cảnh Hàn Quốc phải xuất trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Số ca tử vong tại Iran vượt 15.000 ca


Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran ngày 1-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca tử vong do COVID-19 tại Iran đã vượt 15.000 ca, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông vẫn đang nỗ lực kiểm soát đại dịch nguy hiểm này.

Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết trong 24 giờ qua, nước này này ghi nhận thêm 221 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 15.074 ca. Ngoài ra, đã có thêm 2.621 ca mắc được ghi nhận trong một ngày qua, nâng tổng số ca mắc lên 284.034 ca. Quan chức này kêu gọi người dân tránh việc đi lại không cần thiết, cũng như tránh lui tới các không gian kín và nơi tụ tập đông người để tránh bị lây nhiễm.

Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông. Kể từ cuối tháng 6 vừa qua, nước này đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc và ca tử vong, trong đó số ca tử vong trong ngày cao nhất được ghi nhận là vào ngày 21-7-2020 vừa qua với 229 người. 

Châu Âu: EU tăng cường yêu cầu người dân đeo khẩu trang


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 9-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về các tiêu chuẩn vệ sinh chung như việc tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trên các máy bay và tại các sân bay nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Cụ thể, quy định vệ sinh chung được nhất trí bao gồm việc bảo vệ khu vực mũi, miệng đối với hành khách từ 6 tuổi trở lên và đảm bảo giãn cách xã hội tại các sân bay trong quá trình kiểm tra an ninh và làm thủ tục lên máy bay. Không gian trên máy bay cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn không khí thoáng đãng và các thông tin dành cho hành khách được cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ. 


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 11-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 23-7-2020, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã ban hành chỉ thị bắt buộc người dân nước này đeo khẩu trang tại các khu chợ ngoài trời và các địa điểm mua sắm sầm uất, cũng như một số khu vực thuộc các tòa nhà công. Trong thông báo về đề xuất nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 vào tháng tới, Thủ tướng Wilmes nhấn mạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh "những biện pháp này không phải là khuyến cáo, mà là các mệnh lệnh".

Vùng Madrid của Tây Ban Nha khuyến nghị người dân đeo khẩu trang thậm chí ngay ở trong nhà nếu họ có các cuộc gặp hoặc tụ tập với những người mà họ không sống cùng. 

Phát biểu họp báo, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Madrid Enrique Ruiz Escudero nêu rõ: "Chúng tôi khuyến nghị, như một biện pháp phòng ngừa, việc đeo khẩu trang trong các không gian riêng tư khi có các buổi gặp mặt hoặc tụ tập gồm những người không sống cùng nhau. Chúng tôi cảm thấy đây là điều quan trọng bởi phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra trong các cuộc tụ họp gia đình hoặc bạn bè hoặc các cuộc liên hoan quy tụ những người không sống cùng nhau". Quan chức này nhấn mạnh việc đeo khẩu trang trong các cuộc tụ họp riêng tư tùy thuộc vào mỗi công dân, đồng thời công nhận rằng đa số người dân ở Madrid đều đeo khẩu trang khi ra ngoài dù đây không phải là điều bắt buộc. 

Ngày 23-7-2020, Hội đồng châu Âu (EC) đã gia hạn việc miễn thuế hải quan đối và thuế doanh thu đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các mặt hàng y tế này, trong bối cảnh EU đang vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 18-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, biện pháp này ban đầu được thông qua vào tháng 4 với thời gian 6 tháng đầu năm nay, và đã được gia hạn cho tới ngày 31-10-2020. Quy định này cũng được áp dụng tại Anh. 

Trong tuyên bố của mình, EC cho biết quyết định tiếp tục gia hạn biện pháp trên xuất phát từ những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng xét trên số ca mắc COVID-19 tại các nước thành viên và do sự thiếu hụt trang thiết bị y tế. Theo đó, khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và máy thở là 3 trong số các măt hàng sẽ tiếp tục được miễn thuế doanh thu và thuế hải quan tại EU và Anh.

Thiết bị, dụng cụ y tế đã trở nên thiếu hụt tại EU vào thời điểm đại dịch tấn công các quốc gia thành viên đầu tiên của khối hồi tháng 3. Vấn đề này hiện đã phần nào được cải thiện khi hầu hết các quốc gia châu Âu đã qua đỉnh dịch, song tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể quay trở lại trong trường hợp xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, được dự báo có thể bùng phát vào mùa thu.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN