Đoàn kiểm tra tỉnh đến làm việc tại Điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng huyện Bình Đại.
Tia hy vọng mới
Anh T.T.H., 40 tuổi, sống ở TP. Bến Tre. Anh nghiện ma túy hơn 10 năm. Ma túy “ăn mòn” cơ thể và trí não anh H. Anh ngày càng ốm, xanh xao, dần thay đổi nhân cách. Từ một người hiền lành, hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc chu đáo cho vợ con, anh H. giờ đây không còn màng tới danh dự của anh và gia đình.
Những lần lên cơn, anh không chừa món đồ nào trong gia đình. Tới cái bình gas anh cũng đem đi bán để mua một liều ma túy. Anh H. nhiều lần muốn cai nghiện tại nhà. Anh được gia đình ủng hộ, chăm sóc, nhưng người thân không đủ kiến thức. Còn anh H. thì không đủ kiên trì. Thế là, anh tiếp tục nghiện.
Điểm CNMTTCĐ là chương trình thí điểm của UBND tỉnh, với mục đích tạo điều kiện cho người nghiện ma túy tham gia cai nghiện, góp phần kéo giảm người nghiện ma túy, giảm các loại tội phạm liên quan đến ma túy và các hậu quả xã hội do ma túy gây ra. Đồng thời, kết nối và cung cấp các dịch vụ xã hội toàn diện cho người nghiện ma túy, giúp họ tự nguyện tham gia điều trị, phòng chống tái nghiện, tìm việc làm, hòa nhập cộng đồng bền vững.
Đến tháng 10-2020, việc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị ở 4 điểm CNMTTCĐ gồm: Điểm CNMTTCĐ huyện Bình Đại (thuộc ấp Long Nhơn, xã Long Hòa), Điểm CNMTTCĐ huyện Châu Thành (thuộc ấp Phước Thiện, xã Phước Thạnh), Điểm tại ấp Phú Chánh, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre và Điểm tại ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc đã thực hiện xong. Các chức năng chính của điểm CNMTTCĐ là tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc cho người tham gia cai nghiện ma túy tại điểm cai nghiện ma túy; phối hợp với UBND cấp xã theo dõi, quản lý đánh giá kết quả cai nghiện tại cộng đồng.
Phác đồ điều trị cắt cơn
Thượng tá Đoàn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: “Các đối tượng cai nghiện có 15 ngày cắt cơn, giải độc và khoảng 6 tháng được chính quyền địa phương theo dõi, quản lý đánh giá kết quả cai nghiện tại cộng đồng. Đối với các điểm cai nghiện nằm cạnh mặt đường, ngay trong khu dân cư phải hết sức lưu ý tình hình an ninh vì nguy cơ thẩm thấu ma túy từ bên ngoài cung cấp”.
Đối tượng tiếp nhận tại điểm CNMTTCĐ gồm: tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng (là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình; người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm tự giác khai báo và đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với Chủ tịch UBND xã), bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng (là người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng).
Điểm CNMTTCĐ có bác sĩ điều trị cắt cơn, xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn. Thực hiện chế độ điều trị cắt cơn theo phác đồ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Thực hiện phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bảo đảm trật tự, an toàn cho đối tượng điều trị cắt cơn nhằm phòng tránh thẩm lậu ma túy và các hành vi mất an toàn khác của đối tượng. Hướng dẫn gia đình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình điều trị cắt cơn, tư vấn, động viên, khích lệ để họ an tâm điều trị.
Công tác phối hợp
Việc phối hợp với UBND cấp xã theo dõi, quản lý đánh giá kết quả cai nghiện tại cộng đồng nhằm giúp người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân sau thời gian cắt cơn, giải độc. Hướng dẫn người nghiện ma túy tham gia học nghề, lao động sản xuất, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất tổ chức xét nghiệm nước tiểu để xác định hành vi sử dụng ma túy của người cai nghiện. Đánh giá kết quả cai nghiện và cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại cộng đồng.
Nhân sự làm việc tại các điểm cai nghiện do UBND cấp huyện, thành phố sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ. Hiện đã có quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm các điểm cai nghiện. Đồng thời, Sở Nội vụ có Công văn 1661/SNV-TCBC&TCPCP ngày 7-9-2020 hướng dẫn về việc cử nhân sự tham gia vào Ban chủ nhiệm điểm CNMTTCĐ của huyện. Mỗi điểm cai nghiện đã hợp đồng từ 1 - 2 nhân viên bảo vệ.
Tại hội thảo triển khai mô hình CNMTTCĐ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: “Việc thành lập và đưa vào hoạt động 4 điểm CNMTTCĐ với tinh thần quyết tâm, đồng thuận cao trong nội bộ, tạo lòng tin trong hệ thống chính trị và người dân. Để CNMTTCĐ đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất phải là sự tâm huyết của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và gia đình người nghiện ma túy, trong đó giao trách nhiệm của người thân, những người làm công tác cai nghiện ma túy. Do đó cần có sự vào cuộc đồng bộ, đầy quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể với những phần việc hết sức cụ thể, rõ ràng để cho hoạt động của các điểm CNMTTCĐ đạt kết quả”.
Ngày 21-8-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (viết tắt SCDI) xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng tại 4 huyện, thành phố. Hàng năm tiếp nhận điều trị cho 100 người nghiện ma túy. Phấn đấu có 70% duy trì điều trị tốt; 50% có việc làm ổn định và có cuộc sống tốt hơn. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo