Điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026

03/03/2021 - 07:02

BDK - Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tổ chức hội nghị cử tri; giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung là những nội dung quan trọng trong quá trình, quy trình bầu cử, nhằm bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Thanh Tùng

Đây là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử nhằm thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức.

Các nội dung trên đã được thể hiện trong Nghị quyết số 1186 ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 15-1-2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thông tri số 12 ngày 18-1-2021 và Thông tri số 13 ngày 19-1-2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo đó, một số nội dung mới cơ bản trong quá trình bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thể hiện như sau:

Trước tiên là việc quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Điểm mới tiếp theo là danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử ĐBQH cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Đối với danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại Khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện. Trong hướng dẫn của Nghị quyết liên tịch số 09 đã nêu rõ về thời gian, chủ thể triệu tập, chương trình, nội dung thảo luận, mẫu biên bản, hình thức biểu quyết... Riêng đối với nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố, cần lưu ý tới điểm mới đó là: Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với chi hội trưởng các đoàn thể họp với bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Đối với nội dung tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác cũng nêu rõ: số lượng cử tri tham dự ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có ít nhất hai phần ba tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự.

Yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú cũng nhấn mạnh tới số lượng cử tri tham dự nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự.

Một điểm mới cần quan tâm là bầu cử lần này quy định: “Đối với người ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại Thường trực HĐND, các ban của HĐND cấp tỉnh thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoặc Văn phòng HĐND cấp tỉnh”.

Nội dung thứ 6 đó là việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này có 2 điểm mới. Điểm mới thứ nhất đó là: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Điểm mới thứ hai là: Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Cũng trong thời gian này, thực hiện việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, chậm nhất là ngày 13-4-2021 phải được tiến hành xong.

Đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương 5 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, thời gian thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 1186 ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN