Dịch tả heo châu Phi “càn quét” hộ nuôi

02/08/2019 - 06:37

BDK - Tại tỉnh, bệnh dịch tả heo châu Phi đang tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đổi phương châm chống dịch từ “chống dịch như chống giặc” thành “sống chung với dịch”; nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh kiến nghị xoay quanh các vấn đề: kinh phí chống dịch, bỏ các chốt kiểm soát ở xã, chôn lấp không gây mùi hôi thối…

Việc đánh giá tình trạng heo có nhiễm bệnh hay không là điều rất khó khăn.

Tiêu hủy tránh lạm sát

Vấn đề “tiêu hủy hay lạm sát” được đặt ra tại buổi khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, nơi có bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra nặng nhất. Thực tế chống dịch ở xã Tân Lợi Thạnh nảy sinh nhiều khó khăn. “Giải quyết khó khăn ở Tân Lợi Thạnh sẽ giúp tỉnh thống nhất được nhiều vấn đề áp dụng cho toàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Thành Kiếm - Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh cho biết, 21 hộ ở Tân Lợi Thạnh giờ có heo chết lai rai mà không được chôn cả đàn do Văn bản số 5169/BNN-TY của Bộ NN&PTNT. Văn bản này được UBND xã hiểu là chỉ tiêu hủy heo bệnh, còn heo mạnh thì được để lại nuôi hoặc bán. Rồi từ từ, heo cũng nhiễm bệnh chết, hộ dân thuê người đào hố chôn từng con (giá chôn heo nái là 500 ngàn đồng, heo thịt là 200 ngàn đồng - PV), khiến người dân mệt mỏi, tốn tiền. Người dân muốn khi phát hiện heo bệnh thì được chôn tập trung cả đàn.

Một mặt phía UBND xã Tân Lợi Thạnh cho rằng, việc đánh giá heo mạnh hầu như chỉ dựa vào cảm tính, mặt khác, đoàn khảo sát của HĐND tỉnh đặt nghi vấn, liệu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có quản xuể việc đánh giá heo mạnh trong từng hộ nuôi đang có heo bệnh hiện nay. Ông Phan Trung Nghĩa - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, theo Hướng dẫn số 3708 trước đây, ô chuồng nào có con bệnh (DTHCP) và cả khỏe thì hủy hết, hủy cả dãy chuồng. Còn dãy cách biệt thì được giữ lại. Mới đây, Văn bản số 5169 ra đời để tránh việc “lạm sát, giết nhiều quá, không có đất chôn”, chỉ con nào bệnh chết thì chôn, con nào mạnh thì xét nghiệm, nếu âm tính thì cứ bán, không lãng phí heo mạnh, chỉ tiêu hủy heo bệnh.

Bệnh DTHCP đã xảy ra ở 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Ba Tri và TP. Bến Tre. Riêng huyện Giồng Trôm bị nặng nhất, dịch bệnh đã xảy ra ở 40 hộ, 8 xã (Thạnh Phú Đông, Tân Lợi Thạnh, Lương Phú, Hưng Lễ, Long Mỹ, Phong Nẫm, Phước Long, Thuận Điền), với tổng số heo phải tiêu hủy gần 2 ngàn con. Trong đó, xã Tân Lợi Thạnh đến 28 hộ có heo phải tiêu hủy, hiện nay phát sinh thêm 21 hộ có heo bệnh đang được tổ xác minh dịch bệnh theo dõi.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã thay đổi quan điểm từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung với dịch”. Đến nay, toàn tỉnh có 136 tấn heo bệnh đã tiêu hủy, dịch bệnh chưa dừng lại. Có thể giải thể các chốt cấp xã, đối với chốt liên huyện thì cần xin ý kiến UBND tỉnh cho thành lập và kiểm soát (thông qua Sở NN&PTNT). Về việc áp dụng Văn bản số 5169, Chi cục sẽ xin ý kiến UBND tỉnh.

Không buông bỏ công tác phòng chống dịch

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy là 7 hộ, với tổng kinh phí 419 triệu đồng, các hộ còn lại đang hoàn tất thủ tục.

Đã 1 tuần trôi qua, chị Trần Thị Phí, ngụ Ấp 3, xã Tân Lợi Thạnh vẫn chưa hết bàng hoàng trước độ “càn quét” của DTHCP. Dịch đã quét đi 230 con heo của gia đình chị, đó cũng là toàn bộ gia sản, hiện chị đang đối mặt với món nợ từ đại lý thức ăn gia súc. “Trong 20 năm nuôi heo, lần đầu tôi chứng kiến một dịch bệnh nguy hiểm thế này”, chị Trần Thị Phí nói.

Đại diện UBND xã Tân Lợi Thạnh cho hay, rất khó khăn về kinh phí cho công tác dập dịch, có quá nhiều văn bản nên không biết áp dụng cái nào, xã đang nợ rất nhiều tiền, từ người bắt heo (28 triệu đồng), cân heo dịch vụ (6,8 triệu đồng), chích điện, Kobe 22,9 triệu đồng... Cán bộ xã làm ngày và đêm để dập dịch, nhưng khả năng dịch bệnh vẫn đang tăng nhanh, toàn xã chỉ còn Ấp 9 và Ấp 5 là chưa có dịch bệnh.

Địa bàn Ấp 3 và Ấp 8, xã Tân Lợi Thạnh nơi có dịch bệnh lây lan nhanh, quét sạch heo cả xóm, các hố chôn cũng san sát, nằm cạnh nhà dân. Anh Trần Văn Tinh, ngụ Ấp 3 cho biết, hầm chôn 145 con heo của gia đình anh nằm sát cạnh nhà, nhưng không hề bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, tại Ấp 8, có hố chôn bốc mùi hôi khủng khiếp, là do nơi đất cát, lại thấp và ngập nước, xã đã cho đắp cát lên nhưng mùi hôi vẫn còn. Trước tình hình này, UBND huyện Giồng Trôm đã xin của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh 50 lít chế phẩm EM để khử mùi hôi.

Đại diện Sở Tài chính thông tin: Đối với kinh phí phát sinh từ chống dịch, sẽ sớm có cho xã, Sở Tài chính đã tổng hợp (khoảng 119 tỷ đồng). Đối với việc chi trả tiền hỗ trợ (lần 1) thì mất thời gian cả tháng. Trước quá nhiều văn bản, cấp xã không biết áp dụng cái nào (đối với công lao động cho người tiêu hủy heo bệnh), quan điểm của Sở Tài chính là phải làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để quyết toán.

Ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mong địa phương thông cảm do có quá nhiều văn bản hướng dẫn hiện nay khiến cấp xã thấy lúng túng và nhấn mạnh các địa phương không được “ngại khó” mà buông bỏ công tác phòng chống dịch. Ông cũng đề nghị Sở Tài chính nhanh chóng thống nhất một số việc với Sở NN&PTNT, báo về UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống DTHCP. “Cần nhanh chóng thực hiện thủ tục giải ngân đối với hộ có heo phải tiêu hủy vì người dân có heo tiêu hủy phải đối mặt với rất nhiều món nợ như tiền thức ăn, thuốc thú y, ngân hàng, qua đó cũng góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế việc lợi dụng chính sách”, ông Nguyễn Văn Quới nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN