Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.
Theo Cục Thú y, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020. Đến ngày 25-5-2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết, tiêu hủy. Dịch bệnh xảy ra nặng nhất tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Hiện dịch bệnh đã đến tỉnh Kon Tum.
Hiện nay, cả nước có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày của 201 huyện của 27 tỉnh, thành phố, với 48.465 con gia súc mắc bệnh và 7.027 con gia súc chết, tiêu hủy. Cục Thú y đánh giá, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng,…), tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin VDNC thấp trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc-xin mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép 2 doanh nghiệp nhập khẩu 3 loại vắc-xin của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 3,2 triệu liều vắc-xin VDNC các loại. Được biết, tổng số lượng vắc-xin Việt Nam sẽ nhập khẩu là 8 triệu liều, đáp ứng số lượng để tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam. Ước chi phí tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC khoảng 35 ngàn đồng/liều/con trâu, bò.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Hiện cả nước có khoảng 6 triệu con bò, 2,4 triệu con trâu, 330 ngàn con bò sữa, chiếm tỷ trọng tương đối lớn của ngành chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trạm chăn nuôi và thú y các tỉnh phải tham mưu tỉnh, huyện thông tin về đặc điểm dịch tễ của bệnh VDNC, rà soát, kiểm tra phát hiện sớm khi bệnh xuất hiện là yêu cầu cấp bách, phun sát trùng tiêu độc cắt đứt nguồn lây, quản lý việc vận chuyển và giết mổ. Trong đó, giải pháp đặc biệt là vắc-xin, tuy nhiên tỷ lệ tiêm còn thấp.
Tỉnh hiện có đàn trâu, bò lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng đàn trên 231 ngàn con, trong đó có 2.780 con bò sữa có giá trị kinh tế cao. Bến Tre đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh năm 2021, với kinh phí khoảng 489 triệu đồng, chủ yếu dùng để mua 12 ngàn liều vắc-xin Lumpyvac dự trữ chống dịch VDNC.
Tin, ảnh: Thạch Thảo