Di tích lịch sử - Niềm tự hào của các thế hệ

30/04/2020 - 14:55

BDK.VN - Bến Tre là một trong những tỉnh giàu truyền thống cách mạng, phong phú về văn hóa. Toàn tỉnh có hơn 100 di tích các cấp đã được xây dựng, gìn giữ. Các di tích đã góp phần lưu giữ và chuyển tiếp các giá trị truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khách đến tham quan tại Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Mỗi di tích là một trang sử

Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, đất và người Bến Tre đã làm nên những trang sử hào hùng trong xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương. Trong một cuộc họp mặt của các nhà văn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã từng bày tỏ: Quân và dân Bến Tre đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ rất khốc liệt. Sau giải phóng, dân số Bến Tre có hơn 600 ngàn người, trong đó có trên 35 ngàn liệt sĩ (còn rất nhiều người Bến Tre hy sinh ở nhiều nơi); hơn hơn 18 ngàn thường binh và hơn 100 ngàn người có công với cách mạng… Từ cuộc chiến khốc liệt ấy, đã có những con người tham gia chiến tranh và chịu ảnh hưởng từ chiến tranh.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích (DT) lịch sử văn hóa là một trong nhiều hình thức giáo dục truyền thống, góp phần tích cực và tác động trực quan sâu sắc đến nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện toàn tỉnh có 2 DT cấp quốc gia đặc biệt: DT Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu và DT Đồng Khởi Bến Tre, 16 DT cấp quốc gia và hơn 50 DT cấp tỉnh. Ngoài ra, có hơn 60 bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân.

Nhiều DT thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu, như: Bảo tàng Bến Tre (TP. Bến Tre), DT Đồng khởi (Mỏ Cày Nam), Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (Giồng Trôm), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc), DT Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam (Thạnh Phú)…

Mỗi DT là những câu chuyện lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đặc biệt của Bến Tre; những sự kiện mang dấu ấn cho khu vực và cả nước. Sự kiện Đồng khởi Bến Tre được xem là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng quê hương của quân và dân Bến Tre. Từ ngày 17 đến 25-1-1960, cuộc đồng khởi long trời lở đất đã diễn ra tại 3 xã điểm Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Nam). Thắng lợi cuộc Đồng khởi tại vùng điểm đã mở màn, cổ vũ cho phong trào nổi dậy trong toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền Nam.

Với nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 3-7-1888), địa chí Bến Tre đã nêu: Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống. Cụ đã để lại cho nhân dân ở đây một một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của cụ đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre. Có thể kể đến hai câu thơ bất hủ của Cụ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Hay như Nữ tướng Nguyễn Thị Định cũng là nhân vật anh hùng tiêu biểu của Bến Tre, có tiếng vang cả nước. Bà sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Trong quá trình tham gia cách mạng, năm 1965, bà được giao giữ chức Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975, trong đó, năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một công trình văn hóa đầu thế kỷ XXI, thu hút đông đảo khách tham quan tìm hiểu, trung bình hơn 10 ngàn lượt khách mỗi năm. Trong đền thờ, có khắc ghi lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Trách nhiệm gìn giữ và phát huy

Để có được một công trình DT là cả một quá trình xem xét, chuẩn bị cả về tài lực và sức lực. Đi cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre luôn quan tâm đến việc quản lý, phát huy các giá trị hệ thống DT lịch sử, bia, tượng. Đặc biệt, nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo các DT, bia, tượng danh nhân… có nâng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã sẵn lòng ủng hộ vật chất, kinh phí qua hình thức xã hội hóa xây dựng các công trình.

Điển hình như công trình “Quần thể bia lưu niệm” (gồm 6 bia) tại khuôn viên Khu bảo tồn và phát huy giá trị DT lịch sử Đường Hồ Chí Minh (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) được thực hiện bằng nguồn kinh phí do ngành, đơn vị có liên quan vận động xã hội hóa, gồm: Bia lưu niệm Nơi thành lập Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre, Bia lưu niệm Trường Đào tạo y tế, Bia lưu niệm Tiểu ban giáo dục, Bia lưu niệm Công binh xưởng Bến Tre, Bia lưu niệm Trường đảng Trần Trường Sinh, Bia lưu niệm Nhà in Chiến Thắng. Kinh phí thực hiện khoảng 240 triệu đồng/bia từ nguồn xã hội hóa.

Anh Cao Văn Rin - Tổ trưởng Tổ DT Đồng Khởi, gần 10 năm trong nghề, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và thuyết minh DT. Ngần ấy thời gian gắn bó với DT, anh Rin đã tiếp đón, phục vụ thuyết minh lịch sử Đồng Khởi cho hàng trăm đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Với anh là niềm tự hào, được góp sức mình vào công tác tuyên truyền cho quê hương. “Dù là đoàn khách nào, tôi cũng luôn cố gắng truyền tải nội dung một cách hiệu quả nhất để khách nắm rõ thông tin và cảm nhận đầy đủ những diễn biến lịch sử phong trào Đồng khởi anh hùng của Bến Tre”, anh Rin chia sẻ.

Không chỉ là khách đến tham quan, mà còn được làm lễ kết nạp đảng tại Di tích Y4 (Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định), anh Lê Mạnh Linh - cán bộ chuyên trách của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã có những kỷ niệm khó quên tại đây. “Được tìm hiểu DT Y4 và vinh dự được làm lễ kết nạp đảng tại đây, tôi rất là vinh dự và cảm xúc. Đây sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời”, Linh bày tỏ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị DT không ngoài hướng đến ý nghĩa quan trọng ấy. Các DT lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã góp phần giáo dục các thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ hiểu biết, tự hào và nhận diện trách nhiệm với truyền thống quê hương.

 “Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các DT văn hóa góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đối với các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên và toàn thể nhân dân. Từ đó, góp phần khơi dậy lòng yêu nước của mọi người, nêu cao lòng tự hào truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, tạo thành động lực thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”.

 (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong)

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN