Di sản văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay

29/06/2022 - 14:55

BDK.VN - Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay tập trung hơn 100 tham luận của các nhà khoa học, đã nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Đình Chiểu trên nhiều phương diện cũng như sức ảnh hưởng và di sản của ông để lại cho hậu thế. Bên lề hội thảo, các nhà khoa học đã có những chia sẻ nhiều ý kiến quan trọng.

Ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Bến Tre.

* Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Bến Tre Nguyễn Quang Trị:

Di sản văn hóa mà Nguyễn Đình Chiểu để lại đầu tiên là đức nhân, trung, hiếu, tiết, nghĩa. Nhân tức là tình yêu thương người, trung là trung với nước, hiếu là hiếu thảo với cha mẹ và giữ gìn tiết nghĩa. Đức nhân - trung - hiếu - tiết - nghĩa đối với người Ba Tri nói riêng, người Bến Tre nói chung rất đậm nét. Nhờ di sản văn hóa mà cụ Nguyễn Đình Chiểu để lại, nhân dân Bến Tre đã phát huy tích cực trong đời sống thường ngày, trong dạy dỗ con cái.

Sự kiện kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một vinh dự, niềm tự hào cho Bến Tre, có ý nghĩa tích cực trong giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và tất cả những di sản văn hóa mà cụ Đồ Chiểu để lại cho nhân dân Bến Tre. Việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế là quá trình chuẩn bị chu đáo, tích cực từ sắp xếp chọn tác giả, đặt hàng các tham luận, tổ chức hội thảo. Hội thảo góp phần khai thác, tổng hợp các ý kiến đánh giá của các nhà khoa học về Nguyễn Đình Chiểu một cách toàn diện, làm phong phú thêm tư liệu nghiên cứu và tìm hiểu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

* PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh:

Đánh giá tổng quát về Nguyễn Đình Chiểu rất khó, bởi sự nghiệp của ông rất lớn nhưng tựu trung ở phương diện: văn học, y học và giáo dục. Nguyễn Đình Chiểu là người học rất giỏi, khi sáng tác văn thơ, ông viết và nói bằng tiếng mẹ đẻ và viết bằng chữ Nôm. Chính yếu tố này, cụ đã góp phần rất lớn để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Văn thơ của cụ mang tâm tình, suy nghĩ của người dân Nam Bộ, đặc biệt là người dân Bến Tre đối với thời cuộc, nhân sinh và đạo đức. Điều này được minh chứng cụ thể, ở bất kỳ nơi đâu của vùng đất Nam Bộ, chúng ta rất dễ bắt gặp rất nhiều người dân có thể nói thơ Vân Tiên.

PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Về phương diện y học và thầy giáo, Nguyễn Đình Chiểu là thầy thuốc có tài, chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là nhãn khoa rất giỏi. Vượt lên trên y thuật đó là y đức. Ông sẵn lòng chữa bệnh cho tất cả mọi người nghèo và gắn bó vận mệnh mình với vận mệnh của dân tộc. Cụ còn là người thầy giáo uy tín không phân biệt học trò giàu hay nghèo mà dốc lòng dạy họ đạo làm người, lý lẽ sai trái trong cuộc sống.

Có thể nói Nguyễn Đình Chiểu là tiêu biểu cho văn hóa của Bến Tre, cho tính cách, đạo đức của người Bến Tre. Ông sống ở mảnh đất này, thu hút tinh hoa về đây và lan tỏa tinh hoa đó. Với giá trị văn hóa phi vật thể của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế, Bến Tre có thể phát triển du lịch văn hóa với du lịch sinh thái để góp phần làm phong phú thêm tinh hoa của Bến Tre đến nhiều vùng miền, lãnh thổ.

* PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Sự kiện cụ Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO công nhận là Danh nhân cũng đã có sự ủng hộ của các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN), điều này cũng góp phần tăng thêm ý nghĩa, cho thấy chúng ta đã có sự hội nhập sâu rộng. Các tổng lãnh sự ASEAN ủng hộ việc UNESCO công nhận cụ Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới. Như vậy, bên cạnh những giá trị, tư tưởng nhân văn của Việt Nam cũng như những danh nhân trước đây đã được quốc tế công nhận thì nay đối với Bến Tre, nơi cụ Đồ Chiểu có nhiều đóng góp có thêm một nhân vật tiêu biểu, đáng tự hào. 

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh hội nhập, giới trẻ có tiếp thu nhiều tư tưởng mới, nhưng cũng cần thiết phải lan tỏa những giá trị văn hóa đạo đức của Việt Nam ra quốc tế. Điều này cũng phù hợp với việc xây dựng cộng đồng văn hóa ASEAN. “Trong tham luận tại hội thảo khoa học này tôi cũng đề xuất một số ý kiến như: Tăng cường giao lưu văn hóa, tổ chức biên dịch, phiên dịch những câu nói, câu thơ nổi tiếng, những giá trị của cụ Nguyễn Đình Chiểu để giới thiệu trên website của các trường đại học trong khu vực ASEAN, tổ chức các cuộc thi để những bạn sinh viên quốc tế học tiếng Việt có thể bình thơ, đọc thơ, ngâm thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các nước trong khu vực Đông Nam Á.

* GS.TS Venkat Reddy Konatham - Trường Đại học Tiếng Anh và Ngoại ngữ ở Công hòa Ấn Độ: Các thông tin, tư liệu tại hội thảo vô cùng bổ ích và quý giá để bổ sung thêm những kiến thức, hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng như nền văn học Việt Nam. Qua hội thảo đã cung cấp rất nhiều kiến thức mới, đó là tiền đề để quay về Ấn Độ tuyên truyền, quảng bá và nối tiếp thêm những quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, trong năm nay, kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ.

GS.TS Venkat Reddy Konatham - Trường Đại học Tiếng Anh và Ngoại ngữ ở Cộng hòa Ấn Độ.

Giá trị văn hóa phi vật thể của Nguyễn Đình Chiểu để lại không chỉ dừng lại ở trong nội bộ tỉnh Bến Tre hay của Việt Nam mà tầm ảnh hưởng của cụ đã vươn ra thế giới. Do đó, UNESCO tổ chức vinh danh cụ Đồ Chiểu không chỉ hội thảo khoa học quốc tế mà còn ở những hoạt động trước đó, đang có và sẽ có trong thời gian sau này.

Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN