Chợ Lách đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực của địa phương như sầu riêng, chôm chôm.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% doanh nghiệp, hợp tác xã trên toàn tỉnh và 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh được tập huấn, hướng dẫn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Có ít nhất 5.000 doanh nghiệp, hợp tác xã; 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các lĩnh vực rau quả tươi, gia súc và gia cầm, thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... trên địa bàn tỉnh sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và vận hành, kết nối liên thông với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Tin, ảnh: C. Trúc