Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập phát biểu tại hội nghị
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 432 ha. Đến nay, có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích trên 347 ha, có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 337 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp trên 243 ha, đã cho thuê gần 83 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 34% diện tích đất công nghiệp. Có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp thu hút được 23 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.372 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động.
Tình hình triển khai quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre được nhận định là chậm, tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ý kiến của các sở, ngành, địa phương do phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố chưa giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng tình với đơn giá quy định của nhà nước dẫn đến giá đền bù giải phóng mặt bằng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh: Trong năm nay, mỗi huyện phải phấn đấu có một cụm công nghiệp, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Đối với các huyện đã có cụm công nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện đầu tư hạ tầng, giải quyết các vấn đề môi trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh giao: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… có kế hoạch làm việc với UBND các huyện, thành phố xem xét kiến nghị, giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà đầu tư cụm công nghiệp về việc tiếp tục hay chấm dứt đầu tư, để có giải pháp tiếp theo. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, việc mời gọi đầu tư cần phải có chọn lọc, đảm bảo các yếu tố về công nghệ, môi trường và phù hợp với từng cụm công nghiệp trên từng địa bàn.
Tin, ảnh: Trung Trí