Sáng ngày 9-11, Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn khác nhau về dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam. Để bảo đảm tính độc lập, tránh việc lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra, xác minh, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần để cơ quan của Bộ Công an quản lý theo ngành dọc hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam…
Bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam
Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
Dẫn chứng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam, đại biểu (ĐB) Lê Minh Hiền (Khánh Hoà) cho rằng: Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ phải khác, không bị hạn chế giới hạn so với quyền của người bị tạm giam”, ĐB Lê Minh Hiền nói. Theo đó, để đảm bảo quyền con người, ĐB đề nghị Luật cần quy định không được giam chung bị can, bị cáo với những đối tượng bị kết án phạt tù, bị kết án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hoặc đang chờ thi hành án.
Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu rõ: Người bị tạm giữ, tạm giam chia làm hai đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Người chưa có tội họ đương nhiên là một công dân bình thường, có đầy đủ về quyền con người và quyền công dân như Hiến pháp quy định nên không ai có quyền xâm phạm hoặc hạn chế về quyền ấy. Do vậy, “tôi đề nghị cần xem lại để quy định theo hướng cụ thể về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội. Như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại, đồng thời cũng phù hợp với bố cục của các chương, điều khác trong Luật này như quy định về nhà tạm giữ riêng, nhà tạm giam riêng” - ĐB Huỳnh Văn Tính kiến nghị.
ĐB Lê Nam - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: “Tinh thần Hiến pháp mới khẳng định, chỉ người bị tuyên bằng bản án có hiệu lực mới có tội. Nếu đối tượng đang trong quá trình điều tra bị chết là “chấm dứt” quá trình tố tụng, trong khi chưa kết luận có tội và nếu họ bị oan thì giải quyết câu chuyện này thế nào?”.
|
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh). (Ảnh: TH). |
Khoản 4, Điều 18 Dự thảo Luật quy định: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam dưới đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: “Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; Người bị kết án tử hình; Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần…”.ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề: Tại sao chỉ quy định “có thể” mà không phải là bắt buộc, khi nào là có thể và khi nào là không thể?. Khi có sự cố xảy ra trong buồng giam chung, ai là người chịu trách nhiệm?
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường ẩm thấp, chật chội như trong buồng giam. Đối với người kết án tử hình rất dễ nảy sinh tiêu cực, tự tử hay trốn trại,… Vì vậy, bắt buộc bố trí buông giam riêng. Bởi, họ có quyền bảo vệ sức khỏe và tính mạng, đồng thời họ mới bị hạn chế một số quyền theo Hiến pháp và pháp luật chứ không phải tất cả các quyền con người và quyền công dân .
Cần tách hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự
Về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, trại tạm giam ở cơ quan cấp tỉnh do Cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh quản lý dù đã tách khỏi cơ quan điều tra cùng cấp, nhưng cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vẫn trực thuộc và chịu sự quản lý của Công an cấp tỉnh, mà trực tiếp là lãnh đạo Công an cấp tỉnh. Do đó, về tính minh bạch, việc tách khỏi hệ thống và tính khách quan trong mối quan hệ giữa các cơ quan này với cơ quan cùng cấp là chưa đủ khách quan. Tương tự, đối với hệ thống nhà tạm giữ tại Công an cấp huyện cũng như vậy.
Thực tế cho thấy, không ít vụ việc bức cung, dùng nhục hình trong thời gian qua đã xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Dù vô ý hay cố tình thì đó cũng có phần lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam.
Trước thực trạng như vậy, ĐB Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi: “Độ tin cậy về tính minh bạch trong mối quan hệ và sự tách bạch khỏi hệ thống giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp có đủ khách quan?”.
ĐB cho rằng, cần thiết phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm khách quan trong công tác giạm giữ, tạm giam. ĐB đề nghị, tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc; giao công tác tổ chức, quản lý giam giữ cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý và chỉ đạo nhiệm vụ như đối với với hệ thống trại giam hiện nay để bảo đảm tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra hình sự các cấp lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra, xác minh.
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định, thời gian vừa qua, số người bị chết trong nhà tạm giam, tạm giữ khá nhiều, cao hơn ở trại giam với rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp bột phát là tự tử, và cũng có cả trường hợp chết là do hành vi của cán bộ, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn. "Tôi thấy luật chưa giải quyết được hiện tượng này. Do đó, cần quy định một cách thông thoáng hơn để hạn chế hiện tượng thực tế trên" - ĐB Nguyễn Anh Sơn nói.
Nhất trí tách 4 trại tạm giam đang thuộc cơ quan Bộ Công an quản lý ra khỏi cơ quan điều tra, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) không đồng tình giao 4 trại tạm giam cho Tổng cục cảnh sát và Tổng cục an ninh mà giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trực tiếp quản lý để thống nhất đầu mối trong hệ thống giam giữ, đảm nhiệm công việc thuận lợi hơn trong hướng dẫn, chỉ đạo cũng như đánh giá, rút kinh nghiệm trong quản lý giam, giữ…
Đồng quan điểm, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, nên giao hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam cho Bộ Công an thống nhất quản lý theo ngành dọc...