Đề nghị phân công Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử trên nguyên tắc khách quan, công tâm

28/05/2024 - 16:24

BDK.VN - Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vào sáng 28-5-2024, Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được trình ra tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đại biểu đánh giá cao quan điểm đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời có ý kiến góp ý về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Theo đại biểu, tại khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó”. Đại biểu băn khoăn về quy định “không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó”.

 Bởi trên thực tế, có những vụ án có tính chất phức tạp hoặc có liên quan đến quốc phòng - an ninh, Tòa án nhân dân cũng phải tổ chức họp liên ngành để có sự trao đổi. Vì vậy, nếu quy định một cách cứng nhắc, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án thì sẽ khó khăn cho hoạt động của Tòa án. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định sao cho phù hợp để vừa đảm bảo được nguyên tắc là Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời cũng khắc phục được những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án: Tại Điều 15 quy định về vấn đề này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại các nội dung của Điều 15 theo hướng quy định mang tính nguyên tắc phù hợp với thẩm quyền của Tòa án. Tại Điều 15, đại biểu đề nghị chỉ giữ lại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 của quy định trong dự thảo và các nội dung còn lại ở các khoản 5, 6, 7, đại biểu đề nghị không quy định, bởi vì các khoản còn lại là công việc thường xuyên của Tòa án, không cần quy định cụ thể, liệt kê chi tiết như trong dự thảo Luật.

Về thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật. Tại khoản 2, Điều 105 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải thông báo ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết”, đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp. Vì các cơ quan tạm giữ hoặc trại tạm giam chưa nắm được nội dung vi phạm, sẽ dẫn đến việc hạn chế áp dụng quy định này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng trường hợp thẩm phán bị tạm giữ vi phạm tội quả tang thì cơ quan ra quyết định tạm giữ thông báo cho cơ quan chủ quản của Thẩm phán nơi công tác và cơ quan chủ quản đó thông báo, báo cáo cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ hợp lý hơn.

Về lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử, tại khoản 1, Điều 135 dự thảo Luật quy định: “1. Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu cho rằng việc lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán có ưu điểm là đảm bảo công tâm, khách quan, nhưng cũng có hạn chế, khó khăn vì trong thực tế có những vụ án khó, phức tạp, đòi hỏi phải do những thẩm phán có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp đảm nhiệm, nếu lựa chọn ngẫu nhiên thì lại không đảm bảo chất lượng xét xử. Do vậy, đại biểu đề nghị việc phân công Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử nên để Tòa án linh động áp dụng trên nguyên tắc vô tư, khách quan, công tâm mà không nên có quy định ràng buộc.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN