Định hướng đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản
Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng kinh tế này gồm 4 tỉnh, thành phố là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Định hướng đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long./.