Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19

14/06/2021 - 06:33

BDK - Ngày 15-6-2021, tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 2 theo kế hoạch. Vắc-xin tiêm phòng đợt này vẫn là vắc-xin của AstraZeneca được sản xuất tại Ý (đợt 1 sản xuất tại Hàn Quốc). Dự kiến kết thúc đợt tiêm chủng ngày 15-7-2021.

Lực lượng tham gia tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh.

Đẩy nhanh tiến độ

Đối tượng tiêm đợt 2, có 11.229 người thực hiện mũi 2 sau 8 - 12 tuần kể từ ngày tiêm mũi 1. Dự kiến, có 10.650 người tham gia phòng chống dịch gồm: thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, đội đáp ứng nhanh, người điều tra dịch tễ, tổ truy vết cộng đồng và nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ sẽ thực hiện mũi 1. Trong đó có gần 500 người thuộc ngoài ngành y tế.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng tại tỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh yêu cầu, các đơn vị tiêm chủng thực hiện theo đúng hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid -19 của AstraZeneca, tuân thủ đầy đủ các nội dung của việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, lưu ý đối với các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng. Đồng thời, đảm bảo việc tiêm chủng sớm, có thể huy động cán bộ y tế tuyến xã để hỗ trợ, tăng số bàn tiêm, đẩy nhanh tốc độ tiêm càng sớm càng tốt nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng.

 “Tình hình dịch Covid-19 còn tiếp diễn và khả năng phức tạp, do đó các địa phương chủ động sẵn sàng đáp ứng. Trong đó, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao năng lực thu dung điều trị. Hệ thống y tế huyện chủ động nhiệm vụ tại địa phương, mạnh dạn giao việc cho tổ truy vết của huyện. Lực lượng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo dõi, giám sát và hỗ trợ các trung tâm y tế huyện khi cần thiết. Trong quá trình tiêm chủng phải đảm bảo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt việc chuẩn bị thuốc chống sốc tại bàn tiêm và khu vực theo dõi sau tiêm”, ông Nguyễn Văn Oanh lưu ý.

Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức cấp cứu theo hướng dẫn trên. Đồng thời, báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo số máy 0984371919, đặc biệt là các trường hợp đề nghị cần hội chẩn trực tuyến đặc thù liên hệ theo số máy 0912477566.

Theo dõi sau tiêm chủng

Vắc-xin AstraZenece đã được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc-xin tại nhiều quốc gia. Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, vắc-xin Covid-19 AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh Covid-19 từ 62 - 90%; chống chỉ định người có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trước đó; người có quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc-xin, như: L-Histidine; L-Histidine hydrochloride monohydrate; Magie clorua hexahydrat; Polysorbate 80; Etanol; Sucrose; Natri clorua; Dinatri edetat dihydrat.

Các phản ứng sau tiêm phổ biến (≥10%) như: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến sốt ≥ 380C). Phản ứng phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng ít gặp, gồm: chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban. Phản ứng phản vệ sau tiêm vắc-xin là rất hiếm gặp.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nguyễn Hữu Định lưu ý, mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc-xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml. Cán bộ y tế rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp như hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động này để phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng như tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Định, thực hiện xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo các hướng dẫn chuyên môn như: hướng dẫn xử lý cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22-4-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ: khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, tiêu chảy… tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi). Sau đó, theo dõi và xử lý theo hướng dẫn xử lý cấp cứu phản vệ của Bộ Y tế. Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml”, bác sĩ Nguyễn Hữu Định nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất hiệu quả tại các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong KCN, Cụm công nghiệp Phước Long, kể cả các nhà thầu tạo điều kiện cho người lao động ổn định nơi ở tạm trú tại địa phương nơi làm việc. Các DN có điều kiện thì bố trí chỗ ở cho người lao động, hạn chế người lao động ngoài tỉnh đến, về tỉnh từ các tỉnh khác. Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các DN khẩn cấp thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, lưu ý các DN có người lao động hàng ngày đi, về giữa tỉnh Bến Tre - Tiền Giang.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN