Trải nghiệm quét mã thanh toán không tiền mặt khi mua trái cây tại chợ Bến Tre.
Hiệu quả tích cực
Thanh toán KDTM đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực thanh toán, đã phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và giao dịch thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày KDTM 16-6 được khởi xướng từ năm 2019, là cột mốc quan trọng để hướng tới xã hội không tiền mặt.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 100 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng; 8 quỹ tín dụng nhân dân; 958 điểm giới thiệu dịch vụ của 8 công ty tài chính tiêu dùng; 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 6 chương trình, dự án tài chính vi mô, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chính thức cấp phép cho 3 nhà mạng lớn gồm VNPT, Mobifone và Viettel triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ… tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán KDTM.
Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành cho hay, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc KDTM trong các giao dịch đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Riêng trong năm 2021, số giao dịch thanh toán KDTM qua các dịch vụ ngân hàng đạt hơn 44 triệu giao dịch, với tổng giá trị trên 525 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 277% và 70% so với năm 2020.
Thanh toán KDTM trong lĩnh vực công cũng có bước phát triển, với 97,2% giao dịch nộp thuế, 99,6% số tiền điện, 12,5% cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng. Hiện nay, 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí và 57,2% số sinh viên tại trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Ngoài ra, 293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán học phí KDTM và 100% bệnh viện tại TP. Bến Tre chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam được giới thiệu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại lễ phát động.
Mỗi người dân cần có tài khoản ngân hàng
“Xu thế tới đây, mỗi người dân cần có tài khoản tại ngân hàng. Đây là điều kiện, yêu cần trước tiên để người dân có thể tham gia thực hiện các dịch vụ thanh toán KDTM”, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành khẳng định. Tuy nhiên, việc thực hiện thanh toán KDTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều trở ngại. Khó khăn cơ bản nhất là người dân không có tài khoản tại ngân hàng hoặc tại các tổ chức được phép.
Trong đó, có nguyên nhân do thói quen, tâm lý của người dân vẫn còn e ngại là rào cản lớn nhất. Đặc biệt, ở nông thôn, thanh toán KDTM gần như còn rất mới mẻ với đại đa số người dân. Đó là e ngại về cung cấp thông tin cá nhân để thanh toán, sợ bị ăn cắp thông tin, bị tin tặc hack tài khoản và mất tiền... nhất là nhóm tuổi từ trung niên trở lên cho rằng sử dụng thanh toán KDTM trên ứng dụng là thiếu an toàn, thao tác phức tạp nên sinh tâm lý ngại thay đổi.
Hiện nay, NHNN đã cho phép các đơn vị như: Viễn thông, Viettel, Vinaphone, Mobile… được mở những tài khoản để thanh toán dịch vụ. Các ngân hàng cũng đang thử nghiệm cho phép khách hàng rút tiền bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, như Vietinbank, BIDV… Theo đó, chỉ cần chiếc thẻ CCCD có gắn chip, khách hàng có thể thực hiện giao dịch rút tiền tại các ATM của các ngân hàng này. Khi khách hàng quét CCCD tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chip, đảm bảo thông tin chính xác và tiếp tục xác thực thông tin chính chủ thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức: quét khuôn mặt và vân tay. Nhưng để thanh toán được, trước tiên người dân phải có tài khoản tại ngân hàng.
Hiện nay, NHNN cũng như các tổ chức tín dụng có nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thanh toán. Thực tế cho thấy, các vấn đề lỗi bảo mật của ngân hàng hầu như rất ít phát sinh, việc bị đánh cắp thông tin đa phần do người dùng chủ quan, cung cấp mã xác thực cho đối tượng lừa đảo, hoặc truy cập vào các trang web giả mạo tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
“Ngày không tiền mặt 16-6”
Để thúc đẩy thanh toán KDTM, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền một cách cụ thể và đúng mức. Các dịch vụ công thanh toán KDTM phải được thực hiện đồng bộ, đồng loạt, quyết tâm. Sự kiện “Ngày không tiền mặt 16-6” năm 2022 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân Bến Tre. Đó là hướng đến một xã hội KDTM tại tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó, thúc đẩy phát triển một nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Nhằm hưởng ứng, Sở Công Thương tăng cường truyền thông, vận động, giúp nâng cao nhận thức và tạo điều kiện, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thanh toán KDTM trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu đời sống.
“Các chi nhánh ngân hàng thương mại, các công ty dịch vụ viễn thông, các siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút người tiêu dùng. Tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại khi khách hàng thực hiện thanh toán KDTM để hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 16-6”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.
Nhân sự kiện “Ngày không tiền mặt 16-6”, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động với nhiều ưu đãi, khuyến khích người dân tham gia. Trong đó, Agribank Bến Tre tặng nhiều phần quà hấp dẫn dành cho khách hàng khi đăng ký sử dụng, trải nghiệm dịch vụ thanh toán KDTM; tăng cường quảng bá về lợi ích của việc KDTM tới đông đảo người dân trên địa bàn một cách thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm... |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc