Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

10/08/2018 - 07:15

BDK - Ngày 30-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545 về phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020”. Sau gần 2 năm thực hiện, tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm tải giao dịch tiền mặt tại quầy. 

Nhiều chuyển biến rõ rệt

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng phổ biến trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Việc này sẽ tạo ra sự tiện lợi, minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của các doanh nghiệp, cá nhân và cả bộ máy nhà nước.

UBND tỉnh và ngành ngân hàng đã có những bước triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có chuyển biến rõ rệt, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mạng lưới giao dịch và các điểm ATM/POS, góp phần giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Đến ngày 30-6-2018, toàn tỉnh có 19 chi nhánh cấp 1 của 17 ngân hàng (trong đó có 15 ngân hàng thương mại); 69 chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc, 121 ATM, 383 POS. So với cuối năm 2016, các ngân hàng tăng 16 điểm ATM, 120 POS.

Dịch vụ thẻ và tài khoản ngân hàng phát triển nhanh, 100% chi nhánh trên địa bàn có cung ứng dịch vụ thẻ ngân hàng với hơn 560 ngàn tài khoản đang hoạt động, tăng 13% so với cuối năm 2016. Số dư trên tài khoản tương đối ổn định, bình quân khoảng 2,1 triệu đồng/tài khoản. Tổng số dư trên tài khoản thẻ tại thời điểm tháng 6-2018 là 1.140 tỷ đồng, tăng 43% so với cuối năm 2016 (797 tỷ đồng). Để khuyến khích người dân sử dụng thẻ trong thanh toán, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng các điểm chấp nhận thẻ, gia tăng các dịch vụ tiện ích cho thẻ như: thanh toán các dịch vụ điện, nước, điện thoại, mua thẻ điện thoại trả trước, gửi tiết kiệm có kỳ hạn, chuyển tiền, thanh toán vé máy bay...

Hoạt động thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ qua POS phát triển rất nhanh và ngày càng phổ biến. Doanh số thanh toán POS bình quân tính đến tháng 6-2018 là 20,2 tỷ đồng/tháng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,5 tỷ đồng/tháng). Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như Bank Plus, Internet Banking, MobileBanking, Smart Banking… với nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu như trước đây, phần lớn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền tại ATM thì hiện nay ý thức và sở thích của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, chuyển sang sử dụng nhiều hơn phương thức thanh toán điện tử. Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng, giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ mới, hiện đại như: sử dụng mã OTP, xác thực vân tay, QR code… tạo sự tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử.

triển khai các giải pháp

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện và thành phố đã và đang thực hiện các giải pháp triển khai có hiệu quả đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Các ngân hàng cũng rất tích cực trong việc phối hợp với kho bạc nhà nước, hải quan, các cơ sở y tế, trường học, bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế, điện lực, cấp nước, viễn thông, truyền hình cáp… trong việc triển khai thanh toán các loại cước, phí, tiền sử dụng dịch vụ qua ngân hàng.

Đồng thời, các ngân hàng thường xuyên tự trang bị, kiểm tra và nâng chất hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Nhìn chung, các ngân hàng ngày càng liên kết tốt hơn để thực hiện các dịch vụ này, bao gồm cả thu tận nơi, thu tại quầy và thu qua tài khoản. Chỉ tính riêng phần thu hộ tiền điện cho điện lực, trong năm 2017, các ngân hàng đã thực hiện gần 290 ngàn hóa đơn, với tổng doanh số đạt 963 tỷ đồng. Dự kiến con số này sẽ tăng cao trong năm 2018, bởi từ tháng 3-2018, Công ty Điện lực Bến Tre đã chủ động thực hiện đề án tổ chức thí điểm không thu tiền điện tại nhà khách hàng trong địa bàn TP.  Bến Tre, với sự phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại và chính quyền các cấp tại địa phương.

Vẫn còn tâm lý e ngại

Những kết quả ở trên cho thấy nhận thức, thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự cải thiện tích cực; với doanh số, khối lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân sử dụng thẻ cho giao dịch rút tiền mặt vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của phần lớn người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, khiến số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS chưa nhiều. Ngoài ra, còn tồn tại tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, ngại công khai thu nhập, sợ rủi ro…

Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần phối hợp với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao chất lượng hệ thống máy ATM/POS, đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh phát triển, giới thiệu các ứng dụng thanh toán hiện đại, dễ sử dụng, an toàn đến các tổ chức và người dân.

Với quyết tâm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, từ cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 291 phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”. Sau 10 năm thực hiện đề án với những kết quả bước đầu rất khả quan, đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545 về việc phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”. Đây là bước tiếp nối ở mức độ cao hơn Quyết định số 291 đã được ban hành trước đó, cụ thể như sau: mục tiêu tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đến năm 2020 từ 15% xuống mức thấp hơn 10%, tỷ lệ các siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ từ khoảng 95% lên 100%...

Bài, ảnh: Thanh Hải

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN