Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

25/03/2019 - 07:14

BDK - Phương thức kinh doanh hiện đại bằng thương mại điện tử (TMĐT) là chìa khóa điện tử hữu hiệu, đã và đang mang đến thành công cho rất nhiều bạn trẻ, doanh nghiệp (DN) khởi sự mới. Có thể nói, chiếc “thảm đỏ” TMĐT sẽ giúp người khởi nghiệp xóa bỏ các gánh nặng chi phí đè lên vai từ các loại hình kinh doanh truyền thống.

Tập huấn thương mại điện tử cho người khởi nghiệp Bến Tre.

Cơ hội kinh doanh

Câu chuyện của Ann’s Café khá nổi tiếng trong giới trẻ tại TP. Bến Tre hiện nay là một điển hình đơn giản nhất với khởi sự kinh doanh bằng TMĐT. Không có vốn liếng để thuê mặt tiền, xây dựng quán nên An bắt đầu bằng việc giới thiệu các thức uống của mình đến với khách hàng thông qua internet, với các mạng xã hội, trang fanpage. Sự chia sẻ của cộng đồng, sự truy cập thuận lợi và được mua hàng thuận tiện của người tiêu dùng đã giúp An khởi sự thành công, phát triển cơ ngơi lớn dần theo thương hiệu Ann’s Café.

Hay với mỹ phẩm thiên nhiên từ dầu dừa Ngọc Như, TP. Bến Tre cũng là một điển hình thuyết phục về thương mại + internet. Không cần trụ sở sang trọng, ở vị trí mặt tiền đắc địa, chỉ cần chọn lựa cách thức kinh doanh bằng TMĐT, trong vòng 2 năm, Nguyễn Thị Ngọc Như đã phát triển mạng lưới bán hàng ở nhiều tỉnh, thành trong nước với trên 300 vệ tinh. Bình quân, Ngọc Như tiêu thụ trên 10 ngàn đơn vị sản phẩm/tháng.

Không chỉ đối với người khởi nghiệp, TMĐT càng rất quan trọng đối với DN khởi sự, DN nhỏ và vừa, kể cả các DN lớn. Cơ hội này giúp các DN giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng, quản lý hệ thống… mang tính chất bao phủ rộng trên toàn cầu.

Lợi thế để TMĐT phát triển trong thời buổi hiện nay là sự bùng nổ các thiết bị điện thoại thông minh, các phần mềm điện tử. Mặt khác, khách hàng có xu hướng thích sự tiện lợi, hiệu quả trong mua sắm, lựa chọn những sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn. DN có thể đưa sản phẩm của họ đến với thị trường nhanh nhất, thuận lợi nhất, ít tốn kém chi phí nhất.

Nền tảng cho kinh tế chia sẻ

Anh Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T, TP. Bến Tre cho rằng, kinh doanh TMĐT tùy theo mô hình, nhưng nó là nền tảng cho kinh tế chia sẻ - xu hướng của tương lai.

Kinh tế chia sẻ còn được gọi là tiêu dùng cộng tác, trong đó đề cập đến mạng ngang hàng dựa trên chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa, dịch vụ. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh hiện nay phục vụ ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, ẩm thực như booking, foody… được xem là một hình thức điển hình của kinh tế chia sẻ.

Bến Tre hiện có các điểm khách sạn, homestay dùng booking để giao dịch, tìm kiếm khách hàng đến đặt vé. Bằng phương thức này, khách hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới trước khi về Bến Tre đã có thể so sánh, lựa chọn điểm đến vừa ý và đặt vé trước. DN có thể cạnh tranh công bằng; khách hàng sử dụng dịch vụ có thể bình xét, đánh giá về chất lượng sản phẩm, dịch vụ qua sử dụng một cách công khai. Tính chất tương tác, chia sẻ từ cộng đồng và tính lan truyền nhanh nhạy, phổ rộng không giới hạn của internet sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ đó của DN nhanh chóng phát triển thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh. Cũng như DN có đủ các cơ sở khách quan để củng cố, nâng cao các tiêu chí chất lượng sản phẩm của họ.

Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng của thế giới và không thể thiếu trong giai đoạn kinh tế hội nhập. Việc phát triển các phần mềm ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh và việc ứng dụng nó để phát triển thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ đang được Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh. Trong đó, thúc đẩy TMĐT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh Bến Tre tiếp tục tăng tốc, tạo bứt phá trong năm 2019.

Làng nghề dừa trên Lazada

Ông Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở Công Thương tập trung chương trình phát triển TMĐT trong năm 2019, cụ thể trong thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN là phối hợp với Tập đoàn Lazada thực hiện dự án “Thương mại điện tử - Làng nghề dừa online”.

Theo đó, Sở Công Thương và Lazada sẽ hỗ trợ phát triển website TMĐT cho DN, xây dựng sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre”, giới thiệu các DN tham gia cổng thông tin thị trường nước ngoài, đưa TMĐT vào làng nghề Bến Tre và phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam khảo sát chỉ số TMĐT năm 2019. Nguồn kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển TMĐT từ năm 2019 được bố trí từ nguồn kinh phí Chương trình TMĐT quốc gia của Bộ Công Thương và nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2019 của Sở Công Thương.

Chương trình này bước đầu hỗ trợ DN có định hướng, xây dựng website phù hợp với mô hình, sản phẩm của DN và triển khai quy trình quảng bá, marketing bán hàng, thanh toán trực tuyến theo mô hình B2B (DN - DN), B2C (DN - người tiêu dùng), B2G (DN - Chính phủ)… theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Mong muốn là, DN có thể sử dụng website TMĐT như một công cụ xây dựng thương hiệu, quảng bá, kênh truyền thông và kinh doanh hiệu quả với chi phí thấp… Đặc biệt, các sản phẩm khởi nghiệp Bến Tre, trong đó có đa dạng sản phẩm từ dừa sẽ được giới thiệu, quảng bá tại trang bán hàng điện tử của Lazada.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN