Đẩy mạnh phát triển năng lượng điện gió

26/07/2023 - 05:34

BDK - Với lợi thế là địa phương ven biển có tiềm năng gió dồi dào, tỉnh đã và đang tập trung quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án (DA) năng lượng điện gió (ĐG) nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương. Xung quanh nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết:

Nhiều dự án điện gió đã được triển khai thi công trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Bạch

- Tỉnh có chiều dài bờ biển 65km là lợi thế lớn để phát triển các DA năng lượng gió. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch 19 DAĐG với tổng công suất trên 1.007MW. Ngoài ra, có 37 DAĐG đang được tỉnh trình Chính phủ, Bộ Công Thương để đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với công suất trên 13.000MW; trong đó, có 6 DAĐG ngoài khơi, công suất 10.600MW.

Trong số 19 DAĐG đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư để nhà đầu tư thực hiện DA, đã có 9/19 DA đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270MW. Đến nay, có 5/9 DA được đóng điện vận hành với tổng công suất 123,5MW; trong đó, công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021 với công suất 93,5MW, công nhận cơ chế giá tạm thời bằng 50% mức giá trần 30MW.

Dự kiến trong năm 2023 sẽ tiếp tục đóng điện vận hành khoảng 250MW ĐG. Hiện tại, các DA này đã xây dựng hoàn thành và đang đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

* Trong thời gian qua, các DA đầu tư ĐG trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam: Tỉnh đã xác định năng lượng tái tạo là một trong những ngành công nghiệp chủ lực tập trung phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 1.500MW ĐG đưa vào vận hành khai thác và đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 3.000MW ĐG được đưa vào vận hành khai thác.

Để cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy ĐG lên lưới điện quốc gia.

Theo định hướng từ Quy hoạch điện VIII là cơ hội để tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cho phát triển và hình thành hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại địa phương trên cơ sở tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là ĐG và nhiệt điện khí LNG, khoảng 10.000MW.

Thời gian qua, hầu hết các DA đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các DAĐG trên bờ. Bên cạnh 2 DA đang triển khai thì còn 5 DAĐG trên bờ với tổng công suất 300MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý, dự kiến sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi triển khai trên thực địa nếu các nội dung quy định của Thông tư số 02/TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công Thương chưa được Bộ Công Thương hướng dẫn về công tác hỗ trợ bồi thường trong phạm vi 300m của hành lang an toàn tháp gió dẫn đến sự cản trở của người dân trong quá trình triển khai thi công.

Hơn nữa, do đặc thù các DA đã phê duyệt trước đây đều có một đường dây truyền tải riêng dẫn đến xuất hiện nhiều đường dây truyền tải trên cùng một địa bàn, điều này làm ảnh hưởng đến các quy hoạch khác như đô thị, giao thông... Do đó, nếu được giao chủ động quyết định các DA điện nguồn, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng lưới điện một hệ thống truyền tải chung, các nhà đầu tư sẽ cùng đóng góp để xây dựng, điều này vừa giúp tiết kiệm quỹ đất và kinh phí xây dựng của các chủ đầu tư, vừa ít ảnh hưởng đến các hoạt động khác.

* Vậy đâu là nhiệm vụ và giải pháp để tỉnh đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, nhất là phát triển ĐG?

- Tỉnh xác định năng lượng tái tạo, đặc biệt là ĐG là một trong những ngành công nghiệp chủ lực tập trung phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; đồng thời, cụ thể hóa tại Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Qua đó, đối với lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các DAĐG do ngành điện đầu tư, UBND tỉnh phối hợp và tác động Tổng công ty Điện lực miền Nam sớm đầu tư các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và giúp giải tỏa công suất các công trình ĐG khi đưa vào vận hành trong năm 2023, nhất là khu vực các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ ngành điện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình kịp thời đưa các công trình này vào vận hành trong năm 2023 và giữa năm 2024.

Riêng đối với các DAĐG đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để thi công, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình hoàn chỉnh các hồ sơ như đất đai, môi trường, thuê khu vực biển, phòng cháy, chữa cháy, các thỏa thuận chuyên ngành đối với các lĩnh vực liên quan; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng triển khai thi công công trình.

Tỉnh cũng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ một số giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai DA. Tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ trên cơ sở quy hoạch của ngành nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy ĐG lên lưới điện quốc gia.

Song song đó, theo định hướng từ Quy hoạch điện VIII, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ cho phát triển và hình thành hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại địa phương trên cơ sở tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là ĐG và nhiệt điện khí LNG.

Đồng thời, ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hydro xanh, amoniac xanh cùng với việc đầu tư ĐG ngoài khơi không nối lưới để phục vụ trực tiếp cho các nhà máy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển ĐG của tỉnh trong điều kiện khả năng truyền tải điện của tỉnh còn hạn chế.

* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!

Thanh Bạch (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN