Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

06/06/2012 - 07:52

Trong những năm qua, Thạnh Phú Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Dừa xiêm trên đất Thạnh Phú Đông.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, chuyển biến rõ nét nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều hộ dân đã chuyển đất trồng mía và cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng dừa. Hiện tổng diện tích đất trồng dừa là 1.128ha, tăng 63ha so với năm 2010, trong đó có 881ha cho trái, ước sản lượng 19.200 trái/ha/năm. Ngành nông nghiệp đã có nhiều tác động tích cực hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình trồng cây cacao xen trong vườn dừa, với diện tích hơn 70ha, trong đó có 26ha đang cho trái góp phần giúp nông dân vượt qua khó khăn vào thời điểm giá dừa thấp hoặc dừa treo trái. Chăn nuôi đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cuối năm 2011, tổng đàn heo 5.520 con, hiện tăng thêm 2.014 con, đàn bò 972 con, đàn dê 372 con, gia cầm 31.250 con. Hộ chăn nuôi quan tâm công tác tiêm phòng dịch bệnh và tiêu độc khử trùng để vệ sinh chuồng nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Có 76ha đất ven sông Hàm Luông đã được đầu tư nuôi thủy sản, trong đó có 31ha đất nuôi cá da trơn thâm canh. Hai chợ trung tâm xã là Cái Mít và Phước Mỹ cung cấp hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của nhân dân trong xã và một vài xã lân cận. Tiểu thủ công nghiệp phát triển, với các ngành nghề sử dụng nguyên liệu từ cây dừa như đan giỏ, bó chổi, cộng với nghề sản xuất than thiêu kết, phân xưởng chỉ xơ dừa, trại cưa xẻ gỗ, sửa chữa ghe, lò bánh mì, may gia công… đã giải quyết việc làm cho 932 lao động nhàn rỗi. Xã cũng đã tổ chức lớp dạy nghề đan giỏ nhựa cho 70 chị, mở 1 lớp dạy nấu ăn cho 29 học viên để tạo việc làm có thêm thu nhập cho gia đình.

Giao thông nông thôn trên địa bàn xã từng bước được hoàn thiện. Chỉ tính trong quý I-2012, xã đã nghiệm thu các tuyến giao thông chính dẫn vào ấp 5, ấp 6, bàn giao mặt bằng đường kênh Vĩnh Phúc cho đơn vị thi công, đấu thầu công trình đường cầu Năm Khai, thi công 2 tuyến đường bê-tông do Dự án IFAD tài trợ. Trước đó, trong năm 2011, xã đã vận động và triển khai xây dựng 4 cây cầu nông thôn, với tổng số tiền 96 triệu đồng, 5 tuyến đường bê-tông, kinh phí 147 triệu đồng, trong đó có sự đóng góp của nhân dân bằng tiền và ngày công lao động…

Song song đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội không ngừng chuyển biến. Chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, tiếp tục giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo cho việc dạy và học. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển và có chú trọng về chất. Các thiết chế văn hóa được trang cấp cho hộ gia đình, 8/8 ấp văn hóa được kiểm tra và tái công nhận; khởi công xây dựng nhà văn hóa xã, với tổng kinh phí 1,101 tỷ đồng. Xã đã hoàn chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới, triển khai rộng rãi trong đảng viên và quần chúng nhân dân để phối hợp thực hiện. Công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa, thể thao được tiến hành thường xuyên, có trọng điểm, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở địa phương. Phong trào tập luyện thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại trong nhân dân phát triển, thu hút nhiều đối tượng tham gia và tổ chức giao lưu bóng đá mini, bóng chuyền giữa các ấp, giao lưu với các xã và tham gia thi đấu cấp huyện nhân kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước. Xã luôn quan tâm công tác chính sách xã hội, đảm bảo chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách đúng quy định. Trong quý I-2012, xã tiếp tục bàn giao thêm 5 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Kết quả bình nghị hộ nghèo năm 2012, toàn xã còn 463/2.815 hộ, chiếm tỷ lệ 16,44%.

Bên cạnh kết quả đạt được, xã vẫn còn một số khó khăn như: thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi, cây dừa được xem là nguồn thu nhập chính của hộ dân nhưng giá giảm mạnh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường có chuyển biến nhưng chưa triệt để, còn cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải. Tình trạng nâng cấp, sửa chữa điện sinh hoạt phục vụ cho nhân dân chưa được thực hiện kịp thời, ảnh hưởng đến  sinh hoạt và sản xuất của hộ dân. Theo ông Nguyễn Văn Chờ trong thời gian tới, xã phát triển nông nghiệp theo hướng đa canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động hộ dân trồng các giống dừa năng suất cao, nhân rộng mô hình trồng xen cây cacao trong vườn dừa, tận dụng diện tích mặt nước nuôi tôm, cá kết hợp với chăn nuôi; củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống, phát triển thương mại, dịch vụ để góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Xã tiếp tục tiếp cận Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo ở nông thôn (DBRP) để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, mở lớp dạy nghề tạo việc làm nhằm nâng dần mức sống cho nhân dân; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu y tế, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng chất ấp văn hóa. Các chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra cho năm 2012 là có 605 người tìm việc làm mới, tỷ lệ hộ sử dụng nước máy 19%, sử dụng nước hợp vệ sinh 90%, hộ sử dụng điện đạt 99% và thu nhập bình quân 17,5 triệu đồng/người…

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN