Trong năm 2018, toàn tỉnh ước có 500 doanh nghiệp (DN) và 532 đơn vị trực thuộc thành lập mới, đạt 69% kế hoạch năm. Trong đó, có 82 hộ kinh doanh cá thể (KDCT) chuyển đổi lên DN, đạt 55% so với kế hoạch. Vận động hộ KDCT chuyển lên DN là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phát triển về số lượng lẫn chất lượng DN. Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN, kết quả này còn rất ít so với chỉ tiêu đưa ra và tiềm năng thực tế.
Sản phẩm dừa uống nước của Công ty TNHH Dừa Cười tại Phường 7 (TP. Bến Tre) - doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2018. Ảnh: Hữu Hiệp
Nhiều hình thức vận động
Với sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành thuế, năm 2018, công tác vận động hộ KDCT chuyển lên DN tiếp tục được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.
Cụ thể như: Đội kiểm tra thuế vừa quyết toán thuế vừa vận động DN phát triển, mở rộng sản xuất; đội kê khai kế toán thuế vừa tiếp nhận hồ sơ DN mới thành lập vừa hỗ trợ, giới thiệu các chính sách ưu đãi hỗ trợ dành cho DN theo quy định; đội thuế phụ trách các xã, thị trấn vừa thực hiện thu thuế vừa vận động các hộ KDCT đủ điều kiện lên DN; tổ vận động xã. Toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, vận động 758 hộ đủ điều kiện lên DN.
Mặc dù đã tăng cường và đa dạng các hình thức vận động nhưng tính đến thời điểm hiện tại, kết quả có 82 hộ KDCT chuyển lên DN. Ước đến cuối năm 2018, số lượng hộ KDCT chuyển lên DN có tăng thêm nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, có một số DN vừa chuyển đổi lại giải thể.
Theo ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây, từ hộ KDCT chuyển đổi lên DN sẽ có tầm hoạt động lớn hơn. DN có thể trực tiếp xuất khẩu hàng hóa mà không cần qua công ty trung gian, hoặc ủy thác. Tuy nhiên, chuyển đổi lên DN cũng sẽ gặp một số khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh so với trước đó. Đây cũng là lý do mà ông Đàm Văn Hưng quyết định thành lập công ty mới và hoạt động song song với hộ KDCT thay vì chuyển đổi thẳng lên DN.
“Nếu chuyển lên DN thì phải thực hiện theo Luật DN, mua bán có hóa đơn. Nếu DN chịu hóa đơn thì sẽ chồng phí lên trái bưởi. Hay việc áp dụng luật lao động đối với cơ sở trái cây thì cũng rất khó, do đặc thù lao động làm việc tại các cơ sở không thường xuyên. Nếu áp dụng theo luật thì lương rất cao, DN không trả nổi…”, ông Hưng nói.
Ông Võ Văn Thanh - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh nhìn nhận, tình hình vận động rất khó khăn. Mặc dù thực tế có rất nhiều hộ đủ điều kiện và có khả năng phát triển thành DN lớn nhưng không đồng ý chuyển đổi. Mặt khác, một số địa phương chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện; chưa có nhiều hình thức, giải pháp để vận động hiệu quả.
Doanh nghiệp sản xuất bánh tráng rế tại xã An Qui, huyện Thạnh Phú được hỗ trợ, quan tâm phát triển. Ảnh: C.Trúc
Giải pháp năm 2019
Ông Lê Xuân Vinh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh chỉ ra một số giải pháp cụ thể như: cần đẩy mạnh vận động hộ KDCT đủ điều kiện chuyển đổi lên DN; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác vận động; quan tâm hỗ trợ DN hoạt động ổn định sau khi chuyển đổi.
Cục Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các đoàn vận động hộ KDCT đủ điều kiện chuyển đổi lên DN. Định kỳ hàng tháng thông tin tình hình, kết quả thực hiện về Thường trực Hội đồng tư vấn.
Tiếp tục cải thiện, nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh để phục vụ, hỗ trợ cho DN sau chuyển đổi. Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách đã ban hành, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh, tạo động lực nâng cao hiệu quả chuyển đổi hộ KDCT lên DN. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 phát triển mới 700 DN, trong đó có 147 hộ KDCT chuyển lên DN.
Nhiên Luận