Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS

13/03/2024 - 05:45

BDK - Với 12 chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tỉnh nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm mới và tử vong liên quan đến HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung phòng chống HIV/AIDS lồng ghép vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa để truyền thông, giáo dục cho học sinh.

Phòng tránh lây truyền

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) tỉnh, hiện toàn tỉnh có 157/157 xã, phường phát hiện người nhiễm HIV, chiếm tỷ lệ 100%; tất cả 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có người nhiễm.

Tình hình nhiễm HIV qua giám sát phát hiện (GSPH): Từ ngày 1-1 đến 31-12-2023, phát hiện 271 người nhiễm HIV trong tỉnh, 25 trường hợp xét nghiệm ngoài tỉnh và các phòng khám HIV tỉnh khác chuyển về. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng đến ngày 31-12-2023 là 0,31% (dân số 1.301.638 người). Nhận xét chung về tình hình dịch HIV/AIDS năm 2023 tại tỉnh, cho thấy tỷ lệ người nhiễm HIV lây truyền qua đường tình dục chiếm 95,16%, đường máu chiếm 1,04%, đường mẹ truyền sang con chiếm 2,42%. Tỷ lệ người nhiễm HIV theo giới tính: Nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ giới (nam chiếm 85,12%, nữ chiếm 14,88%), chủ yếu tập trung ở độ tuổi 15 - 49 chiếm 91,01% (nhóm tuổi 25 - 49 chiếm 68,86%).

Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh cho rằng, tỉnh là một trong những địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy. Tính đến ngày 14-12-2023, tội phạm và tệ nạn ma túy được tập trung đấu tranh, kết quả phát hiện và triệt phá 212/202 vụ mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội phạm về ma túy hiện đang quản lý 905/784 trường hợp (tăng 121 trường hợp so với năm 2022). Có 251 người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh.

Tình hình mại dâm cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi, hoạt động chủ yếu diễn ra lén lút, không hình thành các tụ điểm công khai, phức tạp. Toàn tỉnh có 1.676 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, quần thể nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại tỉnh ước tính có khoảng 2.500 người MSM. Chiều hướng nhiễm HIV gia tăng qua các năm và đứng ở mức cao ở nhóm MSM.

Phòng chống HIV/AIDS

Năm 2023, nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã diễn ra trên địa  bàn tỉnh. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ký hợp đồng phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ sở điều trị trong tỉnh về việc mua bảo hiểm y tế thực hiện đồng chi trả cho bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thuốc ARV để bệnh nhân điều trị được thanh toán bảo hiểm y tế. Đối với công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 2.118 bệnh nhân (2.070 người lớn và 48 trẻ em, trong đó số ca điều trị tại Trại giam Châu Bình là 54 ca). Số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV trong năm là 12.627 người, số đồng ý xét nghiệm HIV tự nguyện là 12.627, qua đó phát hiện 5 trường hợp dương tính. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trong năm là 16. Số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV là 29, trong đó số trường hợp xét nghiệm dương tính là 1, chiếm tỷ lệ 3,4%.

Ngày 29-2-2024, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh đã ký ban hành kế hoạch hoạt động phòng chống HIV/AIDS tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu chung là đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm mới và tử vong liên quan HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân. 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV. 90% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Kế hoạch cũng đề ra 3 nhóm nội dung, giải pháp thực hiện. 

Trong tổ chức thực hiện kế hoạch “Hoạt động phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre năm 2024”, vai trò của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao là “nghiên cứu đề xuất triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, bệnh nhân điều trị Methadone, người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, qua đó, có điều kiện tạo thu nhập và có thể tự chi trả một phần chi phí khi tham gia dịch vụ phòng chống HIV/AIDS”.

Bài, ảnh: T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN