|
Nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. |
“Đảng tự chỉnh đốn là rất đúng, nhưng Đảng phải được nhân dân chỉnh đốn và nhân dân chỉnh đốn Đảng vì chính lợi ích của Đảng và cuối cùng là vì lợi ích của dân tộc”.
Trong 3 nội dung trọng yếu về xây dựng Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11) đề ra, nội dung thứ nhất được nhấn mạnh là “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách nhất, liên quan đến sự sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Không phải đến bây giờ vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mới được đặt ra. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các căn bệnh nguy hiểm trong cán bộ, đảng viên của một Đảng cầm quyền như: kiêu ngạo, hống hách, hẹp hòi, tham nhũng…Thế nhưng cho đến nay, tình trạng suy thoái trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong xã hội chưa được khắc phục bao nhiêu.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, những tiêu cực trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa chấm dứt, các căn bệnh mà Bác Hồ chỉ ra vẫn chưa được chữa trị có hiệu quả, có căn bệnh lại ngày một nặng lên như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kèn cựa địa vị, chia rẽ, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, kém kỷ luật, chưa thật sự chịu trách nhiệm trước dân… làm cho nhân dân lo lắng, lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước bị xói mòn. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: sự phai nhạt lý tưởng và sa vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ chính là những biểu hiện đáng báo động hiện nay: “Tôi thấy trước hết là biểu hiện ở sự phai nhạt lý tưởng, kể cả một bộ quản lý các cấp, đang thiếu tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của dân tộc. Mà sự phai nhạt lý tưởng này theo tôi mới là nguy hiểm, vì nó khiến người ta hoài nghi, mất phương hướng, thiếu nhiệt huyết, mà trong cán bộ, đảng viên đã thiếu tin tưởng thì làm sao tác động đến quần chúng được. Thứ hai rất nghiêm trọng là một bộ phận cán bộ vô cảm trước vấn đề của nhân dân, của xã hội mà chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, mà bao nhiêu tiêu cực là ở đây”.
Một câu hỏi đã đặt ra từ lâu là làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này? Câu trả lời đã có đầy đủ trong các nghị quyết của Ðảng với tư tưởng chỉ đạo sát sao và những giải pháp đưa ra khá cụ thể. Nhưng việc tổ chức thực hiện kém hiệu quả, nhiệm vụ nghị quyết nêu ra không trở thành hiện thực. Vì vậy, các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) nêu lên đòi hỏi một quyết tâm cao hơn, cách làm quyết liệt hơn để mang lại hiệu quả thật sự trong việc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Tiến sĩ Dương Trung Ý, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, phải hành động thật sự, phải tự chỉnh đốn để nêu gương cho tập thể, đơn vị. Tiến sĩ Dương Trung Ý cho biết: “Tôi cho rằng, phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một tiêu chí để đánh giá; một tiêu chí để xem xét, cất nhắc, đề bạt và coi đây là một tiêu chí cứng. Đối với mỗi tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mà đặc biệt là công tác quản lý chặt chẽ cả về tư tưởng, hành vi, hành động; đồng thời phải thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, nếu mỗi cán bộ Đảng viên không tự giác, tự tu dưỡng, nâng cao tính Đảng thì những biện pháp khác sẽ hạn chế”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá 6, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng: “Sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng bắt đầu từ chỗ Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Vì vậy, muốn ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa của cán bộ, đảng viên thì phải dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân”.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: nhấn mạnh vai trò của nhân dân không có nghĩa là coi nhẹ sự hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức Đảng và cũng không thể lấy phê bình của quần chúng thay thế cho tự phê bình, phê bình trong Đảng. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẽ.
87 triệu dân và một Đảng có hơn 3 triệu đảng viên, nên nếu hơn 3 triệu đảng viên này mà rời khỏi nhân dân thì đảng viên và tổ chức Đảng sẽ không có chỗ đứng. Vì vậy, Đảng tự chỉnh đốn là rất đúng, nhưng Đảng phải được nhân dân chỉnh đốn và nhân dân chỉnh đốn Đảng vì chính lợi ích của Đảng và cuối cùng là vì lợi ích của dân tộc. Cho nên, phải mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ, có biện pháp rộng rãi để nhân dân đóng góp ý kiến, giám sát và kiểm tra, để tạo nên áp lực dư luận đẩy lùi sự suy thoái
Lênin đã từng nói “không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong tư tưởng, chính trị, đạo đức. Điều này đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu rất cao, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp. Chiến thắng được chính mình, cán bộ, đảng viên mới lấy lại được lòng tin của nhân dân. Sức mạnh của một Đảng trong sạch, vững mạnh cộng với sự đồng thuận và niềm tin của quần chúng chính là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.