Đầu xuân bàn về chuyện hướng Đông

02/02/2021 - 12:54

BDK - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định quan điểm: “Tập trung nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển tỉnh về hướng Đông, tạo đột phá, gắn với chiến lược phát triển quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu”.

Xây dựng trụ điện số 51 của Dự án Nhà máy điện gió số 5. Ảnh: Cẩm Trúc

Vậy hiểu thế nào là hướng Đông? Câu chuyện hướng Đông có phải là một phát kiến hay một tư duy gì mới không? Nguồn lực nào đảm bảo tính khả thi của nó? Khi nào triển khai làm và chừng nào có kết quả? Đó là hàng loạt câu hỏi đặt ra trong Đảng bộ và người dân thời gian qua, khi nghị quyết được tuyên truyền, phổ biến sau đại hội. Điều đó vừa phản ánh sự quan tâm vừa thể hiện sự băn khoăn của toàn xã hội về vấn đề này.

Trước tiên, cần khẳng định rõ một điều rằng: Hướng Đông không phải là một phát hiện mới, một tư duy mới của ai đó mà là sự kế thừa các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy các nhiệm kỳ trước và đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chương trình hành động số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy khóa X về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vấn đề ở đây chỉ là hệ thống lại các mục tiêu của chiến lược trong bối cảnh, điều kiện mới với 6 trụ cột sau đây là: [1] Giữ biển, [2] Chống xói lở bờ biển, [3]  Lấn biển, [4] Phục hồi hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn, [5] Quy hoạch kinh tế - xã hội các huyện biển trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và [6] Hình thành trục động lực tăng trưởng phía Đông trên cơ sở xây dựng tuyến giao thông liên vùng nối với TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, trụ cột của các trụ cột là hình thành trục động lực tăng trưởng. Nói trụ cột của trụ cột vì nó vừa là trục động lực của hướng Đông vừa là trục động lực mới của tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre trong tương lai, bên cạnh trục động lực hiện hữu là quốc lộ 60.

Với cách nhìn nhận trên thì không gian hướng Đông rộng hơn không gian kinh tế biển, không chỉ bao gồm 3 vùng (vùng bảo vệ, bảo tồn - vùng đệm - vùng kinh tế, xã hội thuần biển của một địa phương nhất định) mà còn là một kết nối vùng, liên vùng. Nó không chỉ hướng đến phát triển bền vững và làm giàu từ biển cho một huyện, một tỉnh, mà còn hướng đến khu vực duyên hải phía Đông của cả đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, hướng Đông là một tầm nhìn dài hạn, mà để hiện thực hóa, cần phải có thời gian dài, trải qua nhiều nhiệm kỳ, với nhiều bước đi và lộ trình thích hợp; đòi hỏi sự vào cuộc của cả 3 cấp: Chính phủ, cấp vùng và cấp địa phương, trước mắt là trong việc triển khai trụ cột trục động lực. Bởi đầu việc này từng tỉnh trong vùng không thể làm được, nếu không có sự chủ trì của Chính phủ, cả cơ chế điều phối lẫn nguồn lực tài chính.

Song song với bước đi đó, trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, MTTQ  Việt Nam tỉnh cần triển khai sớm 2 việc. Một là tuyên truyền, phổ biến cho toàn Đảng bộ và nhân dân nắm được căn bản nghị quyết hướng Đông của Tỉnh ủy để có sự thông suốt và đồng thuận. Hai là tiến hành ngay bổ sung quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch ngành, lĩnh vực; quy hoạch đô thị và dân cư. Kế hoạch số 1481/KH-UBND của UBND tỉnh cụ thể hóa Chương trình hành động số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy cũng đã nêu khá rõ mục tiêu, giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực cần phải quy hoạch. Trong đó, thứ tự ưu tiên là: năng lượng tái tạo; phát triển du lịch biển; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; phát triển thương mại và dịch vụ logistics… Nên tham khảo lại để kế thừa. Về nguồn lực thực hiện, ngoài vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật thiết yếu, các mục tiêu còn lại chủ yếu là vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngay trong nhiệm kỳ này, nếu ta làm được 2 việc trên và Chính phủ phê duyệt được chủ trương dự án trục động lực phía Đông là thành công.

Không thể nôn nóng, duy ý chí. Một hành lang kinh tế trù phú phía Đông chỉ có thể định hình sau nhiều thập kỷ như Singapore trước đây hay Phú Quốc bây giờ. Nhưng nếu hôm nay chần chừ, không hành động thì các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ trôi qua. Biển sẽ nhấn chìm chúng ta, nếu hôm nay chúng ta chậm trễ xác định tầm nhìn thẳng tiến ra biển. 

Võ Thành Hạo - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN