Đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín theo hướng đa chức năng

21/11/2013 - 18:45
Thi công hệ thống thủy lợi ven sông Tiền. Ảnh: Hữu Hiệp

Nhiều năm gần đây, diện tích nuôi thủy sản trong tỉnh tương đối ổn định, tập trung ở Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, với 38.000ha, chiếm 86% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh.

Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nghề nuôi thủy sản trong tỉnh phát triển khá mạnh nhưng hệ thống thủy lợi hầu như chưa được đầu tư thích đáng, vẫn phải kết hợp sử dụng chung với hệ thống thủy lợi của sản xuất nông nghiệp, vừa không đủ số lượng vừa không đủ đáp ứng như cầu về chất lượng nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống thủy lợi các huyện ven biển chưa được đầu tư nhiều, chủ yếu dựa vào kênh rạch tự nhiên. Diện tích sông rạch trên địa bàn tỉnh chiếm 13,6% diện tích tự nhiên toàn vùng, mật độ kênh rạch đạt 0,019-0,024km/ha nên có thể dẫn nước cung cấp đến các vùng nuôi trồng. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của 3 huyện biển tương đối tốt, trong khi hệ thống thủy lợi ở các vùng đất nhiễm mặn, khu vực ven biển thì chưa được đầu tư đúng mức để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Các dự án, công trình thủy lợi được đầu tư trong những năm qua đã phát huy tác dụng hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất nhiều, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các huyện rất rõ nét. Các công trình thủy lợi lớn như Cầu Sập, Hương Mỹ, Cống Đập Ba Lai, hệ thống đê biển, các cống ngăn mặn cùng với hệ thống thủy lợi nội đồng đã tạo chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi hiện có chủ yếu vẫn tập trung phục vụ vùng ngọt hóa. Còn vùng ven biển nơi có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản thì các công trình điều tiết, kênh cấp, kênh thoát chỉ mới đầu tư gần đây. Mặt khác, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên các công trình đã xây dựng còn ít và chưa đồng bộ, thiếu tính khoa học. Cho nên, hệ thống thủy lợi đã có chưa thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước nên dễ phát sinh dịch bệnh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và sản lượng tôm nuôi. Gần đây, kinh phí Trung ương, tỉnh đã tập trung đầu tư mới, cải tạo, nạo vét hệ thống kênh cấp nước phục vụ nuôi trồng tại các huyện biển cũng khá lớn; đã nạo vét 36km kênh cấp, thoát nước phục vụ khoảng 5.000ha nuôi trồng thủy sản từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí. Vốn từ việc hỗ trợ của Trung ương qua chương trình 332, tỉnh đầu tư xây dựng 3 dự án như cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi thủy sản Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với tổng vốn đầu tư 91 tỷ đồng. Khi các dự án hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng 15km đường giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của ngư dân gồm 3 cầu, 2 cống điều tiết nước. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, tỉnh cần 163 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh 3 dự án: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tập trung ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Trong đó, phục vụ nuôi trồng thủy sản ở Ba Tri với diện tích 700ha, gồm các hạng mục nạo vét 6 tuyến kênh dài 11km, xây dựng 3 tuyến đường giao thông, dài 55,7km; 6 cầu giao thông và 18 cống thoát nước ở An Đức, Vĩnh An, An Hòa Tây. Tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản Thạnh Phú với tổng mức đầu tư 54 tỷ đồng. Qui mô đầu tư với diện tích 2.700ha, gồm: nạo vét 22 tuyến kênh, dài 14km; xây dựng 3 tuyến đường giao thông, dài 8,8km thuộc xã Giao Thạnh, Thạnh Phong. Dự án cơ sở hạ tầng Bình Đại với diện tích 1.500ha, gồm nạo vét 12 tuyến kênh, dài 14km; 7 tuyến đường giao thông, dài 11km tại xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước với tổng kinh phí 54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi hiện nay cũng còn nhiều hạn chế như vào mùa khô toàn bộ địa bàn các huyện ven biển đều bị ảnh hưởng mặn nên thiếu nước ngọt trầm trọng. Mùa mưa kết hợp với triều cường gây ngập úng nặng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân. Hệ thống điều tiết, phân phối và kiểm soát chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản còn thiếu nghiêm trọng và là một trong những trở ngại lớn cho khai thác, sử dụng hiệu quả vùng đất ven biển. Thiếu vốn cho việc hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, ngoài khối lượng đào đắp hệ thống các kênh cấp, thoát nước thì việc xây dựng các cống kiểm soát chất lượng nước cũng chiếm khá nhiều vốn đầu tư. Để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ này, hệ thống thủy lợi sắp tới cần đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi theo hướng đa chức năng để đồng thời phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp chế biến nông sản. Tập trung vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng thiết yếu, từng bước hình thành hệ thống hạ tầng thủy lợi, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, chủ động tưới tiêu cho vùng sản xuất lúa, nuôi thủy sản, vườn cây trái, phục vụ dân sinh.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN