Cống Tân Phú, huyện Châu Thành thuộc Dự án quản lý nước Bến Tre đã được bàn giao đưa vào sử dụng.
Thực trạng hệ thống công trình
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, việc bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về quản lý, bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030 đã nêu rõ quan điểm: Quản lý, sử dụng nguồn nước phải phù hợp từng vùng sinh thái (ngọt, lợ, mặn) gắn với huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi, mạng lưới cấp thoát nước phục vụ sinh hoạt, kinh doanh và tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp với chi phí hợp lý; góp phần phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh của địa phương.
Bước đầu triển khai Chương trình số 10-CTr/TU, thực trạng hệ thống công trình thủy lợi tại tỉnh với sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, ODA, vốn tỉnh và vốn huy động khác, nhiều dự án, công trình thủy lợi trọng điểm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh có 477km tuyến kênh tưới tiêu bao gồm kênh trục và kênh cấp I, 2.238km tuyến kênh cấp II và cấp III; có trên 2.000 hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, trong đó có khoảng 148 cống có khẩu độ từ 2m trở lên và 1.906 cống có khẩu độ dưới 1,5m, đã xây dựng khoảng 650km đê bao ven biển và ven sông. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư khép kín. Do đó, hàng năm, thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Đặc biệt, mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, nước mặn bao phủ toàn địa bàn tỉnh trong thời gian dài từ 4 - 6 tháng, gây thiếu nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Từ đó, một trong những mục tiêu mà Chương trình số 10-CTr/TU đưa ra là: hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, hệ thống quan trắc môi trường, chất lượng nước và mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Cùng với đó, hàng loạt công trình cần được đầu tư, nâng cấp và hoàn thành, nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống thủy lợi trong giai đoạn 2020 - 2030.
Nhiều dự án đang triển khai
Sau 3 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, đến ngày 22-4-2024, tiến độ triển khai các công trình, dự án bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả tích cực. Dự án quản lý nước Bến Tre đã bàn giao đưa vào sử dụng cống Bến Rớ và cống Tân Phú. Bàn giao mặt bằng cống Cái Quao, cống Thủ Cửu, cống Bến Tre. Đang chi tiền đền bù giải phóng mặt bằng cống An Hóa; công khai phương án đền bù cống Vàm Thơm, Vàm Nước Trong.
Dự án cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2) hiện đã hoàn thành triển khai thi công xây dựng. Đối với Dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và Hưng Phong, huyện Giồng Trôm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành xây dựng và bàn giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý vào năm 2022. Trung tâm đã hoàn tất việc lập phương án xin giá nước; thỏa thuận các nội dung về đường ống kỹ thuật kết nối từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre; đang lắp đặt đồng hồ cho hộ dân khi đủ điều kiện vận hành cấp nước.
Dự án hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp. Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, hiện công tác bàn giao mặt bằng đạt 73%, công tác thi công ước đạt 11 - 13% các gói thầu thi công. Dự án quản lý hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri định kỳ hàng năm, tiến hành nạo vét kênh trục chính và các tuyến kênh trong lưu vực hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, bảo đảm thông thoáng dẫn nước cung cấp vào hồ chứa kịp thời.
Một dự án đáng quan tâm là Dự án trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải. Với nội dung ký kết thỏa thuận tiếp nhận nước thô của dự án giữa nhà đầu tư (là Công ty cổ phần Nước thô DNP - Sông Tiền) và 3 đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sản lượng thỏa thuận tiếp nhận trong 6 tháng mùa khô năm 2024 khoảng gần 85 ngàn m3/ngày đêm. Ngày 19-6-2023, dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Nước thô DNP - Sông Tiền. Hiện tại, dự án đã thống nhất được hướng tuyến, hoàn thành khảo sát địa chất, địa hình, thiết kế cơ sở và đang tiến hành đàm phán hợp đồng tiếp nhận nước thô với các đơn vị cấp nước. Tuy nhiên, quá trình đàm phán hợp đồng hiện tại đang bị ách tắc do quy định về giá nước sạch. Khi các đơn vị tiếp nhận nước thô sẽ làm tăng chi phí đầu vào các đơn vị tiếp nhận, dẫn đến giá nước sạch thành phẩm vượt khung giá nước sạch theo quy định của Bộ Tài chính. Để giải quyết khó khăn này, Sở Tài chính đang nghiên cứu giải pháp tháo gỡ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về quản lý, bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh cũng nhìn nhận một số khó khăn như: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước theo định hướng quy hoạch chưa bảo đảm do hạn chế nguồn lực, huy động vốn còn khó khăn; một số doanh nghiệp có cơ cấu vốn chưa tương xứng với quy mô, mức độ triển khai của các công trình, dự án. Hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, mương thủy lợi chưa khép kín, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt. Một số công trình, dự án chưa thực hiện được theo kế hoạch, tiến độ đề ra. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo