Phát triển thương hiệu du lịch Bến Tre, bài 2:

Đầu tư cho nguồn nhân lực làm du lịch

29/08/2018 - 08:29

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch (DL) Bến Tre vừa được tổ chức trong tháng 8-2018, ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở DL tỉnh Quảng Bình, một trong hai diễn giả tại chương trình nhận định: “Dù tài nguyên DL có phong phú, có đẹp đến đâu mà không có con người làm ra sản phẩm thì DL không thể phát triển được”. Đầu tư xây dựng nguồn nhân lực làm DL của tỉnh thời gian qua đã được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm với nhiều hành động cụ thể.

Lực lượng lao động tại các khu du lịch chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nhân lực của ngành.

Tạo nguồn nhân lực

Quảng Bình là một trong các tỉnh có ngành DL phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Một trong các bài học kinh nghiệm về phát triển thương hiệu DL thành công mà các diễn giả chia sẻ là đầu tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm DL. Nói về công tác đào tạo nguồn nhân lực, ông Nguyễn Châu Á - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) - Quảng Bình cho biết: “Công tác đào tạo nguồn nhân lực là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi sự đầu tư. Điều này quyết định đến chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp (DN) và cách DN hoạt động như thế nào”. Thực tế, các đơn vị kinh doanh DL thường ít quan tâm tới đầu tư nguồn nhân lực mà chỉ tập trung vốn vào phát triển cơ sở vật chất hạ tầng.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và DL, tổng số lao động (LĐ) trong ngành DL tính đến hết tháng 6-2018 là 5.258 người; trong đó, LĐ qua đào tạo chiếm 60%. Nguồn nhân lực làm DL gồm nhân lực quản trị và nhân lực LĐ trực tiếp là các hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, vận chuyển khách, lễ tân, đầu bếp... Ông Hồ An Phong nhận xét: “Nhân lực LĐ trực tiếp chiếm 80% trong lực lượng LĐ làm DL. Lực lượng này ở các tỉnh như Quảng Bình hay Bến Tre là rất thiếu do LĐ trẻ tập trung về các thành phố lớn để làm việc”.

Số LĐ chưa qua đào tạo chuyên nghiệp chủ yếu là lực lượng LĐ thời vụ, làm việc ngắn hạn tại các cơ sở kinh doanh DL nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Ghi nhận tại một số điểm kinh doanh DL như vườn trái cây, DL sinh thái hiện nay, một bộ phận nhân viên phục vụ là LĐ ở địa phương như học sinh, sinh viên làm thêm, LĐ tự do kiếm thêm thu nhập, thời gian làm việc tạm thời, không bền vững.

Một hạn chế khác là về tư tưởng của người LĐ, họ còn ngại thử thách, thích ổn định, muốn làm những công việc ít vất vả. Điều này khiến nhiều LĐ có tay nghề, có năng lực như ngoại ngữ tốt, nấu ăn ngon, có nghiệp vụ nhưng lại chọn làm việc ở lĩnh vực khác DL, hoặc làm ở các thành phố lớn mà không về địa phương.

Ngay cả đến lực lượng LĐ đã qua đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do đào tạo lý thuyết với thực tế còn chưa tương xứng. LĐ trẻ mới tốt nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.

“Đầu tư cho nguồn nhân lực là bài toán khó. Đào tạo kiến thức thực tiễn cho LĐ tại DN là cần thiết vì hiện nay đào tạo trong các trường chính quy chỉ mới mang tính lý thuyết, có nơi đào tạo ra người LĐ lại không làm việc được, phải đào tạo lại, rất tốn kém”, ông Hồ An Phong nhận xét.

Cần chủ động hơn

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và DL tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn dành cho nhiều đối tượng học viên tham gia là công chức, viên chức tại phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố, các DN, cơ sở kinh doanh DL, các xã trọng điểm có tiềm năng phát triển DL và các hộ dân có điều kiện hoặc có ý định tham gia hoạt động kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh. Qua tập huấn giúp cho học viên trau dồi và nâng cao nhận thức về DL có trách nhiệm, các kiến thức và kỹ năng giúp phát triển và bảo tồn tài nguyên DL địa phương. Một số nội dung đã được tập huấn như: kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh dịch vụ DL, bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về DL, hướng dẫn công tác lập quy hoạch DL, xây dựng và phát triển các sản phẩm DL tại địa phương, tập huấn về môi trường không khói thuốc lá, tập huấn về môi trường trong kinh doanh DL, tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh trong DL cho đối tượng là lực lượng lao động trực tiếp như đội xe ôm, lái đò, đánh xe ngựa...

Kinh nghiệm từ Quảng Bình cho thấy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải được bắt đầu bằng sự chủ động của các DN DL. DN, các cơ sở kinh doanh DL cần phải ý thức được vai trò của nguồn nhân lực trong hoạt động kinh doanh của mình, để chủ động đào tạo một cách phù hợp. Tại Quảng Bình, vấn đề nguồn nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn. Và cách mà các DN DL ở đây, tiên phong là Oxalis đã làm chính là đầu tư mạnh dạn cho đào tạo nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Châu Á cho biết, lúc mới bắt đầu, công ty đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để đào tạo đội ngũ nhân viên. Đây là lực lượng làm nòng cốt, sau đó có thể truyền đạt, hỗ trợ lại cho những nhóm tiếp theo. “Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên để đảm bảo, duy trì chất lượng phục vụ luôn tốt. Điều này có lợi cho chính DN chúng tôi. Nhân lực rất quan trọng, DN cần có phần kinh phí để đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực một cách nghiêm túc”, ông Nguyễn Châu Á nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các nơi đào tạo về DL phải thay đổi nội dung và phương thức đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của DN một cách cụ thể. Đồng thời, để DN có động lực tự chủ động trong công tác đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những quy định về chuẩn chất của LĐ để đòi hỏi DN phải đưa người LĐ đi đào tạo, đảm bảo chất lượng. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng LĐ tại DN cần tổ chức từ nghiệp vụ đến ngoại ngữ, cách ứng xử, những điều trực tiếp, cụ thể phục vụ ngay cho yêu cầu công việc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và DL Trương Quốc Phong cho biết: “Để đầu tư cho nguồn nhân lực, thời gian tới về phía cơ quan quản lý nhà nước, sở sẽ tăng cường tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn, rộng rãi hơn để phục vụ cho nhu cầu về nhân lực.

Anh Ngô Trọng Hữu - hướng dẫn viên DL quốc tế chuyên tiếng Anh: Theo tôi, một trong những điều mà DL Bến Tre cần làm hiện nay là nâng chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa cách phục vụ của đội ngũ làm DL tại các điểm đến. Chúng ta có lợi thế về cảnh quan, các giá trị về văn hóa, phải chuyên nghiệp hơn trong cách phục vụ để bảo vệ hình ảnh DL Bến Tre.

Bà Trần Thúy Nhung - Giám đốc Công ty TNHH-TM-DV-DL Du thuyền Xoài (Mango Home Riverside), xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm: Thời gian qua, chất lượng đội ngũ nhân viên luôn là thế mạnh của công ty. Chúng tôi luôn đặt lợi ích của nhân viên lên hàng đầu, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn cũng như tạo điều kiện, tạo niềm tin cho nhân viên có cơ hội học tập vươn lên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mọi người tôn trọng lẫn nhau và vì cộng đồng. Đối với chúng tôi, để điều hành và phục vụ DL đảm bảo chất lượng tất cả đều do con người quyết định.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN