Phát triển ngành dừa bền vững với “hai trụ cột, ba nội dung”, bài 2:

Đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm

22/02/2019 - 08:11

BDK - Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2018, số lượng sản phẩm từ dừa đã lên đến con số 200 trên các lĩnh vực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm làm đẹp, với thị trường xuất khẩu hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao gấp 20 - 30 lần so với nguyên liệu thô (nước dừa, thạch dừa thô và cơm dừa trắng nguyên liệu).

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm từ dừa của các doanh nghiệp Bến Tre tại Hội nghị liên kết tiểu vùng phát triển chuỗi sản phẩm dừa. Ảnh: C. Trúc

Thêm nhiều sản phẩm mới

“Thị trường cạnh tranh rất gay gắt nên doanh nghiệp (DN) buộc phải luôn luôn vận động. Nếu dừng lại, đồng nghĩa với DN đang chấp nhận thụt lùi. Chính vì vậy, công ty phải luôn nghiên cứu cho ra thị trường các dòng sản phẩm mới liên tục và đặt mục tiêu đổi mới công nghệ, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong năm 2017, 2018, công ty mạnh dạn cải tiến công nghệ theo hướng tự động hóa. Từ 4 - 5 mặt hàng vào năm 2015, đến nay, công ty có gần 20 loại sản phẩm từ dừa được đưa ra thị trường”, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long bộc bạch. Ngoài dòng sản phẩm chủ lực là mặt nạ dừa các loại còn có một số sản phẩm mới “ra lò” là giấy thấm da từ dừa, nước rửa tay từ dừa, giấy gói thực phẩm từ dừa.

Do đòi hỏi của thị trường về chất lượng, mẫu mã bao bì, bắt buộc DN phải xem lại quy trình sản xuất, công nghệ hiện tại để thay đổi, lắp mới để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất. Từ sản xuất thủ công, chỉ trong 2 năm, DN tập trung đầu tư, chuyển đổi toàn bộ thành dây chuyền sản xuất khép kín, với mức đầu tư là không nhỏ (5 tỷ đồng). “Năm 2019, DN tập trung nghiên cứu sâu, lắp đặt thiết bị tự động sản xuất giấy gói, túi đựng thực phẩm từ nước dừa, giảm chi phí thành phẩm. DN cũng hứa hẹn sẽ cho sản phẩm cao cấp sử dụng trong ngành y là miếng đắp phỏng, vừa có giá trị cao gấp nhiều lần, vừa giúp đa dạng sản phẩm từ dừa…” - bà Hồng nói thêm.

Ông Lê Văn Thịnh - Giám đốc Khối Kinh doanh Betrimex cho biết, hiện nay, các sản phẩm chính của DN là nước dừa đóng hộp, sữa dừa dinh dưỡng đóng hộp, bột sữa dừa đóng hộp (công nghệ TetraPark của Thụy Điển) của DN đã có mặt trên 40 quốc gia, trong đó có thể kể đến các quốc gia rất khắt khe về chất lượng sản phẩm như: Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc... Riêng đối với thị trường nội địa, sản phẩm nước dừa, sữa dừa mang thương hiệu Cocoxim đã nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, giúp DN tăng trưởng doanh số hơn 80% trong vòng 2 năm qua.

“Trước đây, than dừa, lưới chỉ xơ dừa, thậm chí nước dừa - một thức uống tốt cho sức khỏe, rất được ưa chuộng trên thế giới chỉ được coi là phế phẩm trong sản xuất tại Bến Tre. Vì vậy, DN nhận thấy cần phải đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm bằng việc áp dụng dây chuyền hiện đại UHT trực tiếp từ tập đoàn Tetra Pak để sản xuất nước dừa, sữa dừa hay dùng công nghệ ép lạnh, ly tâm lạnh của Thái Lan và Thụy Điển để sản xuất dầu dừa, nước cốt dừa; áp dụng công nghệ xử lý sinh học AAO và MBBR hiện đại - hệ thống hình mẫu trong việc xử lý nước thải ngành chế biến dừa ở Việt Nam”, ông Lê Văn Thịnh chia sẻ.

Với DN Chế biến dừa Lương Quới, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, sản phẩm chính là cơm dừa nạo sấy trước đây cũng đã phải nỗ lực chạy đua với công nghệ sản xuất tiên tiến để cho ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã thâm nhập được các thị trường khó tính với mức bao phủ sản phẩm trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ mức doanh thu vài tỷ đồng/năm đã nhảy vọt lên hàng chục và đến nay, DN này đã cán mốc 1.000 tỷ đồng. Sự lớn mạnh của DN cùng với năng lực đối đầu của các sản phẩm đủ mạnh của hôm nay là minh chứng cho sự trưởng thành của DN trong ngành chế biến dừa. Ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho rằng, DN phải đầu tư chế biến theo chiều sâu nếu muốn tồn tại và có sự tăng trưởng tốt.

Đổi mới công nghệ ngành dừa

Chế biến theo chiều sâu giúp biến những nguyên liệu bình thường trở thành nhiều sản phẩm giá trị cao. DN phát triển là đồng thời sẽ mang lại thu nhập tốt hơn, ổn định hơn cho người trồng dừa cũng như sự phát triển bền vững của cây dừa Bến Tre.

Toàn tỉnh có 4 DN trong ngành dừa được công nhận DN khoa học công nghệ, gồm: Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH Kỹ thuật Dừa, Công ty TNHH Một thành viên chỉ xơ dừa Văn Liêm. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ nhóm ngành chế biến dừa đối với 34 DN. Kết quả, có 5,9% DN đạt trình độ công nghệ trung bình tiên tiến, 88,2% trình độ công nghệ trung bình, 5,9% trình độ lạc hậu. Việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của DN được thực hiện trên cơ sở tính điểm của 4 nhóm tiêu chí gồm nhóm thiết bị công nghệ (T); nhóm nhân lực (H); nhóm thông tin (I); nhóm tổ chức, quản lý (O).

Kết quả đánh giá cho thấy, tỷ lệ DN ngành dừa có trình độ khoa học công nghệ cao vẫn còn rất ít trong tổng số DN ngành dừa trong tỉnh. Ông Huỳnh Cao Thọ - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, kết quả đánh giá năm 2018 là cơ sở để tỉnh đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của DN, góp phần tạo điều kiện tốt nhất để các DN thành công trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Thọ, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ ngành dừa theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu trong thời gian tới cần tập trung vào đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh đến năm 2020; Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh giai đoạn 2013 - 2020; Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh; đặc biệt là Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN