Thân nhân của Đại tá Phạm Ngọc Thảo gửi tặng bức họa chân dung Phạm Ngọc Thảo cho Bảo tàng Bến Tre.
Nhà tình báo đã ký quyết định thả 2 ngàn tù nhân
Theo tài liệu “Bến Tre - Đất và Người” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bến Tre ấn hành năm 2020, Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14-2-1922 tại Sài Gòn, trong một gia đình điền chủ theo đạo Công giáo. Ông còn có tên là Albert Phạm Ngọc Thảo, hay Albert Thảo. Vì là người trí thức giỏi tiếng Anh và Tiếng Pháp, năm 1946, ông cùng với 12 người Nam Bộ khác được chọn ra Sơn Tây học lớp cán bộ tình báo khóa đầu tiên tại Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn). Tốt nghiệp, ông được điều về Phú Yên làm giao liên, nhận nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Lê Duẩn vào Nam và trải qua nhiều nhiệm vụ cách mạng khác.
Cuối tháng 1-1955, đồng chí Lê Duẩn đã giao cho Phạm Ngọc Thảo nhiệm vụ đặc biệt là tìm cách xâm nhập vào hàng ngũ địch, lấy niềm tin của chúng để leo cao, chui sâu trong chế độ Ngô Đình Diệm, nắm bắt những mưu đồ chiến lược của Mỹ - Diệm, báo cáo cho trung ương; đồng thời chuẩn bị lực lượng ngầm để lật đổ chế độ Mỹ - Diệm, thống nhất Bắc - Nam nếu con đường hòa bình bằng Hiệp định Genève không thành công. Tháng 12-1954, ông được “đồng hóa” vào bộ máy ngụy Sài Gòn. Qua nhiều giai đoạn tiếp cập, ông đã được Ngô Đình Diệm tin cậy trong công tác chính trị, an ninh nội bộ và được cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) với cấp bậc trung tá (từ tháng 11-1960 đến tháng 5-1962). Di tích nơi làm việc của ông là Bảo tàng ngày nay.
Và việc đầu tiên khi làm Tỉnh trưởng Bến Tre là ông ký quyết định thả 2 ngàn tù nhân đang bị giam giữ (là cán bộ cách mạng và người dân bị địch bắt), trong đó có ông Võ Viết Thanh - sau này là Trung tướng). Đồng thời, lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Qua thời gian hoạt động ông bị phát hiện là tình báo cách mạng Việt Nam, ông bị địch bắt đưa về Sài Gòn và bị tra tấn đến chết trong đêm 17-7-1965, khi mới 43 tuổi.
Còn mãi kỷ niệm và dấu ấn lịch sử
Trung tướng Võ Viết Thanh - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là người đã từng “diện kiến” trực tiếp với Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Những ký ức không thể nào quên ấy đã được Trung tướng Võ Viết Thanh chia sẻ lại trong một lần về thăm lại Bảo tàng Bến Tre.
Ông kể, ông đã có 3 lần được gặp trực tiếp Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo (khi ấy ông không biết). Có lần, ông được gọi lên đứng cạnh chỗ ông Phạm Ngọc Thảo ngồi để ông ấy hỏi chuyện. Ông Võ Viết Thanh chia sẻ, Phạm Ngọc Thảo hỏi tôi: “Em ở trong tù có khổ lắm không?”. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ ông ấy là người của địch nên trả lời ngắn gọn là: “khổ!”. Phạm Ngọc Thảo lại hỏi tiếp: “Em có chịu đựng nổi không?”, tôi trả lời: “Không chịu nổi cũng phải ráng chịu!”. Sau đó, thì ông không hỏi nữa. Ngày 7-7-1961, ông Võ Viết Thanh được chở từ khám chạy đến Dinh tỉnh trưởng, tại đây, ông lại được gặp mặt Phạm Ngọc Thảo một lần nữa. Sau vài câu trò chuyện, Phạm Ngọc Thảo đã nói với ông: “Hôm nay, qua trả tự do cho em. Nếu khi em ra tù, em muốn trở lại học văn hóa thêm, gặp khó khăn gì hãy đến gặp qua giúp đỡ”. “Từ đó, tôi được trả tự do và tiếp tục trở về hoạt động cách mạng. Mãi đến sau, tôi mới được biết, ông là người cán bộ cách mạng của mình” - Ông Võ Viết Thanh bày tỏ.
Theo các tài liệu viết về Phạm Ngọc Thảo, ông được nhận định là Nhà tình báo xuất sắc, “độc nhất vô nhị” trong số các điệp viên. Vì thông thường, các tình báo có nhiệm vụ giấu mình, thu thập thông tin chuyển về Trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ của địch, độc lập tác chiến vì cách mạng cho tới lúc hy sinh và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tình báo mà cách mạng giao cho. Sau ngày giải phóng 30-4-1975, ông được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, cấp hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Phần mộ của ông hiện ở Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh.
Để tưởng nhớ về ông, ngày 26-10-1981, UBND tỉnh Bến Tre chính thức cho sử dụng ngôi nhà “Dinh Tham biện” - nơi ở và làm việc của cố Đại tá Phạm Ngọc Thảo làm Bảo tàng Bến Tre. Năm 2015, di tích nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Từ đó đến nay, Bảo tàng Bến Tre đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan tìm hiểu (hiện do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tạm dừng việc đón khách). Bảo tàng cũng đã tổ chức trưng bày về hình ảnh, tư liệu Đại tá Phạm Ngọc Thảo, cũng như các cuộc tọa đàm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông và hàng năm tổ chức lễ dâng hương vào ngày mất của ông tại đây. Năm nay, tuy không tổ chức các hoạt động trưng bày, tọa đàm nhưng Bảo tàng Bến Tre vẫn duy trì lễ dâng hương (nội bộ) để tưởng nhớ Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
“Có thể nói, Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo chiến lược cao cấp, “siêu đẳng” trong giới tình báo thời kỳ bấy giờ. Ông đã lập được những chiến công rất lớn, làm khuynh đảo cả chế độ Sài Gòn và nổi tiếng đến cả Hoa Kỳ. Điều đặc biệt là ông hoạt động một mình trong lòng địch, vì bên ngoài không thể kết nối được với điều kiện khi ấy. Ông có thể trở ra chiến khu nhưng vẫn chấp nhận ở lại trong lòng địch, bám lại Sài Gòn để làm những công việc trọng đại hơn cho cách mạng”.
(Trung tướng Võ Viết Thanh - Nhân chứng lịch sử, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh)
|
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt