|
Tại lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Công trình Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển (Cồn Bửng - Thạnh Phong - Thạnh Phú). Ảnh: T.C |
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, sau khi các thành viên Chính phủ và đại biểu quốc dân đồng bào trang nghiêm dự lễ thượng cờ và hát Quốc ca, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai quốc Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á. Đất Nước thuộc về nhân dân, Tổ quốc thực sự tự do, độc lập, non sông liền một dải. Đất Nước - Tổ Quốc - Non Sông - Quốc Kỳ là những từ đẹp nhất, thiêng liêng nhất mà con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, giữ gìn cho hôm nay và muôn đời sau.
Về lịch sử Quốc kỳ Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nổ ra vào đêm 22 rạng ngày 23-11-1940 tại khắp các tỉnh thành miền Đông, miền Tây Nam bộ, trong đó có Bến Tre. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời điểm cam go và quyết liệt ấy, Người đã nghĩ suy, trăn trở về hình ảnh lá Quốc kỳ của nước Việt Nam mới. Chính Người đã vẽ bức tranh cổ động bằng hình thức thư pháp, lấy những nét của bốn chữ “Việt Nam Độc Lập” để tạo hình một người Việt Nam trẻ trung tay phải cầm kèn thổi kêu gọi xung trận, tay trái cầm lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, dưới hình vẽ là những câu thơ cháy bỏng:
“Việt Nam Độc - Lập” thổi kèn loa,
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già.
Đoàn kết vững bền như khối sắt.
Để cùng nhau cứu nước Nam ta.
Ngày 19-5-1941, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập với mục tiêu phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực hiện kỳ được cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Việt Minh đã chọn lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của Tổ quốc. Ngày 22-12-1944, dưới lá cờ Tổ quốc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, các chiến sĩ long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự. Lá cờ đỏ sao vàng gắn liền với ý chí, khát vọng của một dân tộc không cam kiếp trâu ngựa cho thực dân, phát xít ngoại bang và đoàn kết nhất tề “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Quốc kỳ Việt Nam được trang trọng kéo lên tại Liên hiệp quốc. Cờ Tổ quốc là ngọn cờ chiến thắng tung bay trên hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và tại Dinh Độc Lập trong ngày vui Đại thắng 30-4-1975. Bước chân của con người Việt Nam đã chinh phục đỉnh E-vơ-rét cao nhất thế giới, và nơi băng giá vĩnh cửu châu Nam Cực, cả trên vũ trụ xa xôi, những người con quả cảm của dân tộc mang theo lá cờ Tổ quốc để đánh dấu mốc son về khoa học, trí tuệ và khẳng định niềm kiêu hãnh Việt Nam.
Triết lý người Việt Nam luôn nhớ về nguồn cội. Các biểu tượng “Đất, Nước, Núi, Sông, Giang, Sơn…” đều mang những ý nghĩa, giá trị đạo đức xã hội sâu sắc. Đạo lý người Việt Nam luôn “uống nước nhớ nguồn” không chỉ thể hiện ở tình cảm của người con hiếu thảo với cha mẹ “công cha như núi, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Triết lý đó được nâng lên trong thời đại Hồ Chí Minh, khi cả dân tộc đi theo ngọn cờ tiên phong của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tổ tiên chúng ta (Quốc Tổ, Quốc Mẫu) đã có ý thức gìn giữ sự vẹn toàn của non sông khi tạm chia tay, đem 50 người con theo mẹ lên rừng trấn giữ biên ải, khai hoang lập ấp, 50 người con theo cha xuống biển đánh bắt cá tôm, phát triển kinh tế và gìn giữ hải phận quốc gia.
Đất - Nước là hai vật chất bình dị nhất nhưng cũng to lớn nhất. Tư duy của Tổ tiên chúng ta đã mang tầm vóc như vậy.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, Đất nước đang chuyển mình đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu và yếu tố tích cực vẫn tồn tại những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, thậm chí đáng lên án. Vừa qua tại Bến Tre, tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã xét xử, luận tội các bị cáo trong vụ án Trần Thị Thúy và đồng bọn can tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Luật pháp là sự thể chế hóa ước nguyện của nhân dân. Nhân dân không thể dung thứ cho những kẻ đi ngược lại con đường mà cả dân tộc đã chọn lựa. Thế trận an ninh nhân dân và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành pháp là thành trì đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực đen tối có mưu đồ làm tổn hại đến Đất nước, Tổ quốc Việt Nam.
Thời gian gần đây, tại địa phương, bên cạnh đa số cơ quan, ban ngành, trụ sở chính quyền các cấp thực hiện tốt việc chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, vẫn còn một số đơn vị xã, phường, trường học, bệnh viện thực hiện chưa nghiêm qui định này. Biểu hiện ở chỗ: một số đồng chí có trách nhiệm, người đứng đầu… chưa nêu gương trong tham gia chào cờ đầu tuần, trang phục chưa chỉnh tề khi chào Quốc kỳ, hát sai nhạc, không thuộc lời bài Quốc ca. Có nơi cờ Tổ quốc phơi mưa nắng lâu ngày xuống màu, chưa được thay mới. Qui định treo cờ lúc nào, khi nào, dịp lễ tết như thế nào chưa được triển khai thực hiện đúng… Những hiện tượng trên cần được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm chấn chỉnh để việc treo cờ, chào cờ đúng qui định, đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả giáo dục lý tưởng, ý thức công dân trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Có Đất, có Nước mới có củ khoai, hạt lúa để người nông dân nuôi quân đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Và, cũng nhờ có Đất và Nước cùng với chí sáng tạo, người nông dân trồng lúa, làm vườn, nuôi cá tôm để làm giàu cho đất nước, làm giàu cho chính mình.
Biểu tượng Đất và Nước luôn gắn với sự sống của người Việt Nam và sự tồn vong của Tổ quốc. Mỗi khi hát Quốc ca chúng ta đứng trang nghiêm và cùng nguyện một lời thề được khắc ghi trong lời bài Tiến quân ca “Nước non Việt Nam ta vững bền”. Tuổi trẻ Việt Nam, tuổi trẻ Bến Tre trong những đoàn quân thanh niên xung phong đi kháng chiến và tuổi trẻ hôm nay lập thân, lập nghiệp, tham gia chiến dịch mùa hè xanh, hoạt động xã hội cất cao ca khúc hùng tráng về Đoàn “vì Đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Vì nền độc lập tự do của dân tộc, trên quê hương Bến Tre, từ năm 1947 những đơn vị của Tiểu đoàn 307 từ mảnh đất Thạnh Phú lên đường tranh đấu vang vang lời ca hào hùng: “Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, nguyện một lòng gìn giữ non sông”.
Tại mảnh đất Thạnh Phong anh hùng, cuối năm 2010, đã khởi công xây dựng công trình Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong giờ phút trang nghiêm, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã trang trọng nhận 4 viên đá thiêng lấy từ đảo Trường Sa - Hoàng Sa, núi Trường Sơn, Hải Phòng và Cồn Bửng (Thạnh Phong) và bình Đất, bình Nước thiêng lấy từ Đất Tổ Phú Thọ - nơi có Đền thờ các vị Vua Hùng. Đã nhiều năm qua, tại UBND Thị trấn Thạnh Phú, trong nghi lễ chào cờ đầu tuần, người dân đi chợ đều dừng công việc, đứng nghiêm hướng về Quốc kỳ. Chỉ mấy phút chào cờ, song thật sự có ý nghĩa thiêng liêng! Để hình ảnh đẹp đó đi vào nề nếp, cán bộ đảng viên cần nêu gương và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, sau đó việc dự chào cờ trở thành nhu cầu tinh thần của mỗi người dân.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Bến Tre có cách bày tỏ ý thức công dân của mình bằng cách đặt trên bàn làm việc trong văn phòng một lá cờ nhỏ. Luôn nghĩ về Tổ quốc và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội chắc chắn là điểm tựa tinh thần, làm ăn hiệu quả.
Đất Nước bao gồm núi, sông, lãnh địa, lãnh hải và cả các quần đảo (Trường Sa, Hoàng Sa…) đều mang những giá trị thiêng liêng mà nền độc lập tự do đã một lần nữa khẳng định đanh thép từ sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Không kể mấy trăm năm dưới các triều đại phong kiến, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được khẳng định, đã được nhiều thế hệ con người Việt Nam định cư, khai thác và bảo vệ. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn, kiếm tượng trưng cho quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng cho chính quyền cách mạng, tức là cũng trao chủ quyền lãnh thổ và các quần đảo, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Việt Nam đã đổ biết bao máu xương để thực hiện trọn vẹn công cuộc giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và thực sự là chủ nhân chân chính của các biển đảo trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, người Việt Nam kiêu hãnh, tự hào về Đất Nước anh hùng tươi đẹp của mình, đang phát huy tài năng, trí tuệ để khai thác những tiềm năng trong Đất, trong Nước, trong lãnh hải của mình để Đất Nước thêm giàu, đẹp, vững bền, để thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Non sông, đất nước Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Đảng bộ và nhân dân quê hương Đồng Khởi quyết tâm cùng cả nước, vì cả nước thực hiện đến cùng ước nguyện cháy bỏng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.