Mở rộng ngành nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết theo xu thế thị trường.
Nỗi lo “tự động hóa”
Tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào trung tuần tháng 5-2023, đại biểu từ các ngành tỉnh đã nêu ra nhiều vấn đề thực tế về tình hình phát triển nguồn nhân lực mà tỉnh cần phải đối diện.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trương Trịnh Trường Vinh cho hay: Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Bộ KH&CN, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động (LĐ) tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là trong ngành may mặc. Ngoài ra, sự phát triển của kinh tế số sẽ làm mất đi số lượng lớn công việc; thay thế tới 1/3 lực lượng LĐ chế biến nông sản; thay thế 26% số LĐ trong ngành logistics ở Việt Nam. Sự phát triển của KH&CN sẽ gây ra sự bất ổn thị trường LĐ, làm gia tăng nỗi lo mất việc do tự động hóa. Việt Nam cùng các nước trong khu vực có thể mất đi lợi thế so sánh dựa trên chi phí LĐ thấp. Kinh tế số mang lại những cơ hội phát triển lớn. Do vậy, người LĐ cần phải được chuẩn bị những kỹ năng và năng lực phù hợp với nhu cầu công việc trong tương lai.
Phó giám đốc Sở KH&CN Trương Trịnh Trường Vinh cho rằng, giải pháp mà Sở KH&CN sẽ tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục đề xuất hoàn chỉnh cơ chế khuyến khích doanh nghiệp (DN) đào tạo, thu hút chuyên gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ làm việc tại các DN. Đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, DN, huy động đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, khoa học, công nghệ, sản phẩm có tiềm năng lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong các ngành, địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức thường xuyên tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất thuận lợi tạo ra hệ sinh thái mở cho các nhà khoa học, trí thức có không gian phát huy trí tuệ và khát vọng cống hiến. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của tỉnh đòi hỏi sự tập trung, đẩy mạnh hơn nữa của các ngành, các cấp trong việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 trong thời gian tới.
Định hướng cho lao động
Trước xu thế phát triển kinh tế tại tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Hiện tại, các sở, ngành cần phối hợp để đề xuất nghề đang phát sinh mới trong giai đoạn hiện nay, mà bấy lâu chưa thấy ai đề cập, còn bỏ ngỏ, trong khi xã hội đang rất cần. Cụ thể, người nông dân sản xuất ra sản phẩm, quá trình tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải có tư duy kinh tế trong nông nghiệp. Do đó, những người ở nông thôn cần được đào tạo để có được tư duy kinh tế, góp phần tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra.
Mỗi năm huyện Giồng Trôm giải quyết việc làm cho khoảng 1,8 ngàn đến gần 3 ngàn LĐ/năm; đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trung bình 15 lớp dạy nghề/năm. Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung trình bày những nguyên nhân khiến hiệu quả đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội: Thời gian đào tạo nghề ngắn. LĐ không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đa phần người LĐ đều phải được DN đào tạo lại mới có thể làm việc. Bên cạnh đó, đối tượng hộ nghèo khi tham gia học nghề (được miễn chi phí đào tạo) thường là LĐ chính trong gia đình. Họ học nghề thì không có thời gian kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình, nên thường không thể bám lớp đến cùng. Tư tưởng phụ huynh chuộng cho con em học đại học, thay vì cho đi du học hệ cao đẳng nghề ở các nước châu Âu (chương trình vừa học vừa làm), có thể khiến các em học sinh mất đi cơ hội có được việc làm ổn định và phù hợp. Huyện đang có các bước tư vấn, sàn lọc số học sinh, giúp các em tiếp cận chương trình du học cao đẳng nghề ở châu Âu và phát triển chương trình này với số lượng mỗi năm từ 50 - 70 em. Hiện mỗi năm, huyện Giồng Trôm có khoảng 300 LĐ tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ thực tế đào tạo nhân lực tại Trường Cao đẳng Bến Tre, Hiệu trưởng nhà trường TS. Nguyễn Văn Huấn cho biết: “Tỉnh có Nghị quyết phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, nhưng hiện nay tại Trường Cao đẳng Bến Tre không có người đăng ký học các ngành nghề về phát triển kinh tế biển. Hàng năm, chúng tôi có tuyển sinh ngành nuôi trồng thủy sản, chế biến bảo quản thủy sản, công nghệ thực phẩm... nhưng không có ai nộp hồ sơ. Đối với các ngành nông - lâm - thủy sản, việc tuyển sinh hết sức khó khăn, tình hình này không chỉ riêng Bến Tre gặp phải mà ở tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang cũng diễn ra như vậy”.
Theo TS Nguyễn Văn Huấn, nguyên nhân không tuyển sinh được các ngành phục vụ phát triển tỉnh về hướng Đông là do từ nhu cầu phụ huynh thích và muốn cho con em mình học đại học, thay vì cao đẳng, đó là lý do cơ bản nhất... Dù số lượng học sinh vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tăng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu đề ra. Để làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của tỉnh thì cần tăng cường công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo và các cơ quan, đoàn thể làm tốt hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS mới đạt được các mục tiêu đề ra.
“Một lĩnh vực rất mới, gắn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Hiện đội ngũ nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này rất thiếu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung nghề phục vụ (trong ngành du lịch) vào danh mục nghề phi nông nghiệp, để dạy cho người dân ở nông thôn bằng nguồn vốn đào tạo nghề cho LĐ nông thôn”.
(Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ)
|
Bài, ảnh: Thạch Thảo