Đào tạo nghề phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương

10/09/2012 - 07:32
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 6-9-2012, đồng chí Nguyễn Thành Phong -  Bí thư Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Ban Giám hiệu Trường Trung cấp nghề Bến Tre, nhằm khảo sát công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và công tác xây dựng Đảng. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Võ Thanh Liêm - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, trưởng các phòng, ban thuộc Sở và Trường Trung cấp nghề.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nghe lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo về tình hình thực hiện công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trong những năm qua. Trong giai đoạn 2006-2010, công tác dạy nghề của tỉnh có nhiều chuyển biến, số lượng lao động học nghề mỗi năm đều tăng. Tổng số lao động được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề là 58.751 người. Số người có trình độ cao đẳng là 417, chiếm 0,7%; số người có trình độ trung cấp nghề là 1.816, chiếm 3,09% trên tổng số người học nghề. Bình quân mỗi năm có trên 11.000 người được đào tạo, trong đó có hơn 1.500 lao động nông thôn, với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2010, 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, có 32.941 người được đào tạo nghề (cao đẳng: 329 học viên, chiếm 1%, trung cấp: 1.023 người, chiếm 3,1%, sơ cấp: 15.888 người, chiếm 48,23% trên tổng số người học nghề). Thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 1956, trong năm qua, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo 14.534 người. Trong đó, đối tượng I là 3.447 lao động, đối tượng II là 211 lao động, đối tượng III là 10.876 lao động. Số lao động nông thôn sau đào tạo có trên 70% tự tạo việc làm và được giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, hoặc lao động tại các hộ gia đình, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Đối với Trường Trung cấp nghề, số học viên tham gia học nghề từ năn 2007 đến năm 2011 là 7.423 học viên. Trong đó, sơ cấp và bồi dưỡng nghề 6.576 học viên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 2.662 học viên, trung cấp nghề là 847 học viên. Các ngành đào tạo chủ yếu là: kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, điện công nghiệp, kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật xây dựng, công nghệ ô-tô, cắt gọt kim loại, tin học văn phòng… Hiện tại, Trường có 491 học viên, trong đó tuyển mới 231 học viên và đang tiếp tục xét tuyển đợt 2 đến tháng 10-2012.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sở LĐ-TB&XH cần phải tập trung nhiều hơn nữa trong việc triển khai công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề phải đảm bảo việc làm đồng thời gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Sở cần khảo sát thực trạng lao động hiện nay của tỉnh để định hướng đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020. Khi xây dựng đề án đào tạo nghề của địa phương, cần chú trọng quy mô, đội ngũ giáo viên và mạng lưới đào tạo. Cần quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy về lợi ích của việc xuất khẩu lao động. Trường Trung cấp nghề cần quan tâm hơn chất lượng đào tạo, phải lựa chọn ngành nghề để đầu tư đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Quan tâm công tác quản lý, đảm bảo phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Tin, ảnh: PT

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN