Mỗi ngành nghề đều có qui chuẩn riêng về đạo đức nghề nghiệp. Mỗi cá nhân phải tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp mà mình đang làm. Không những nâng cao đạo đức nghề nghiệp mà còn phải gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, đạo đức nghề nghiệp mới bền vững và trong sáng hơn.
Đó là chủ đề mà Chi Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa tổ chức tọa đàm. “Đạo đức nghề nghiệp ngành khoa học công nghệ (KHCN) theo tư tưởng Hồ Chí Minh - những vấn đề thực tiễn đặt ra cho những người làm công tác KHCN hiện nay”.
Đạo đức trong nghề nghiệp
Tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến về đạo đức trong nghề nghiệp nói chung và đạo đức trong hoạt động KHCN nói riêng. Trong đó, ý kiến của đoàn viên Nguyễn Thị Hồng Thủy được đánh giá cao. Theo nghiên cứu của đoàn viên Nguyễn Thị Hồng Thủy, đạo đức trong KHCN có sáu nguyên tắc. Nguyên tắc đầu tiên là thành thật tri thức. Nghĩa là nhà khoa học không nên gian lận trong nghiên cứu, không giả tạo dữ liệu, không thay đổi dữ liệu và không lừa gạt đồng nghiệp. Nguyên tắc này được xem là trụ cột, cơ bản nhất trong các nguyên tắc về đạo đức trong hoạt động KHCN. Nguyên tắc thứ hai là cẩn thận: nhà khoa học phải phấn đấu, cố gắng, tuyệt đối không nhầm lẫn và sai sót trong tất cả các hoạt động KHCN. Nguyên tắc thứ ba là tự do tri thức: KHCN không bao giờ dừng lại trong hành trình đi tìm sự thật vì nó là một quá trình liên tục. Nhà khoa học cần được tạo nhiều điều kiện tốt để sáng tạo, nghiên cứu, phát triển những ý tưởng mới và phê phán những ý tưởng cũ (những ý tưởng không phù hợp, có hại cho con người, cho môi trường cuộc sống…). Nguyên tắc thứ tư là cởi mở công khai: khi phê bình những nghiên cứu KHCN của đồng nghiệp, nhà khoa học phải dựa vào tính hợp lý, tính logic, chứ không dựa vào cảm tính, ganh tị, thành kiến. Các công trình KHCN của mình phải được công khai trên báo chí. Cởi mở và công khai trong nghiên cứu KHCN là yếu tố đạo đức rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học. Ghi nhận công trạng thích hợp là nguyên tắc thứ năm: Nhà khoa học phải ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học đi trước; tuyệt đối không được lấy thành quả nghiên cứu KHCN của người đi trước làm thành tích của mình. Nguyên tắc này không những thể hiện trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những nhà khoa học tiên phong mà cao hơn nữa là mang lại nguồn động viên cho những cá nhân có công lao to lớn đó. Nguyên tắc cuối cùng là trách nhiệm trước công chúng: Nhà khoa học phải có trách nhiệm trước công chúng về những kết quả nghiên cứu KHCN mà mình đạt được. Bởi những sản phẩm đó gắn liền với cuộc sống của con người, với môi trường…
Riêng đoàn viên Phạm Thị Kim Duyên nêu các hành vi vi phạm đạo đức KHCN. Theo đó, Kim Duyên nêu ra sáu hành vi vi phạm: gian lận, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, gian lận trong quá trình duyệt bài, lờ trích dẫn tài liệu, lợi dụng người khác để nghiên cứu cho mình. “Trong sáu hành vi đó, thì hành vi đạo văn bị lên án mạnh mẽ nhất. Hành vi này không chỉ bị lên án trong hoạt động KNCN mà còn bị lên án mạnh mẽ trong báo chí, trong giáo dục, trong y tế, trong pháp luật…” - đoàn viên Kim Duyên trình bày.
Gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh
Tại buổi tọa đàm, nói về đạo đức nghề nghiệp gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn viên Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực KHCN. Người cho rằng KHCN có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các tổ chức hoạt động KHCN cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng phải thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là cơ hội tốt cho đội ngũ KHCN của tỉnh nhà. Qua đó, những người hoạt động KHCN tiếp tục phấn đấu nâng cao đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phong cách làm việc. Học tập và làm theo lời Bác là điều rất cần đối với những người hoạt động KHCN. Bác đã từng dạy: “Đối với những người làm công tác khoa học, tiêu chí đầu tiên là lòng yêu nước và tự hào dân tộc”. Một trong những tiêu chí quan trọng của những người hoạt động KHCN là tính trung thực, khiêm tốn, chí công vô tư. Bác yêu cầu người hoạt động KHCN phải nhiệt tình cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng. Đạo đức theo Bác, ý muốn nói là lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà khoa học. “Do đó, các sản phẩm của KHCN phải đạt lợi ích thiết thực, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, an toàn cho người lao động. Người hoạt động KHCN không được chạy theo thành tích, lợi nhuận tối đa mà hạ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm” - đoàn viên Kim Ngân cho biết.
Còn đoàn viên Nguyễn Xuân Lãm khi nói về đạo đức nghề nghiệp gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh, Xuân Lãm rất tâm đắc lời dạy của Bác. “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình” - Xuân Lãm cho biết, Bác Hồ đã từng nói như vậy.
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Ngọc Hải - Phó Giám đốc Sở KH và CN kiêm Bí thư Đảng ủy Sở, cho biết: “Qua các ý kiến của các đoàn viên về đạo đức nghề nghiệp trong ngành KHCN, tôi rất vui mừng vì các bạn có ý thức cầu tiến. Từ ý thức này gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi tin rằng các bạn sẽ đạt nhiều thành công trong hoạt động KHCN. Cũng từ đó, các bạn ngày càng có trách nhiệm hơn về công việc của mình. Từ đó, cho thấy nghề nào cũng vậy: Đạo đức nghề nghiệp là trên hết”.
Buổi tọa đàm có 6 đề tài tham luận được lãnh đạo Sở KH và CN đánh giá cao
Đó là các đề tài: Các tiêu chuẩn đạo đức KHCN - những hành động cụ thể rèn luyện hàng ngày đối với đoàn viên thanh niên. Những hành vi vi phạm đạo đức khoa học - biện pháp đấu tranh phòng chống. Phát huy tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, tiến công mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển KHCN mới, sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ, tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu chung phát triển KHCN tỉnh nhà. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp nói chung, đối với cán bộ làm công tác KHCN nói riêng. Mối quan hệ giữa đạo đức với hoạt động KHCN. KHCN và đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. |