|
Lính Mỹ đang bắn phá một vị trí của Taliban. |
Chính quyền Obama đang vật lộn để đảo chiều cuộc chiến ở Afghanistan. Họ muốn tiếp sức cho nỗ lực đó bằng những ý tưởng mới và thực hiện nó trước khi công chúng Mỹ hết kiên nhẫn.
Afghanistan là một bức tranh ảm đạm vì số thương vong của quân đội Mỹ chắc sẽ tăng lên trong tháng tới khi quân tăng viện được điều tới để tấn công các sào huyệt của Taliban ở miền Nam. Một số nghị sĩ Mỹ chủ chốt, trong đó có những người thuộc đảng Dân chủ của ông Obama, đang hoài nghi liệu Afghanistan có phải là một mục tiêu thất bại hay không.
Đổi mới
Mối quan ngại đó có thể giải thích phần nào quyết định sa thải tướng David McKiernan, Tư lệnh Mỹ ở Afghanistan. Thay thế ông là Trung tướng Stanley McChrystal nổi tiếng về những ý tưởng mới. Ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates nói rằng đã tới lúc có những suy nghĩ mới và cách tiếp cận mới.
Tuy nhiên, xem ra việc thay đổi các tư lệnh chưa chắc đã báo hiệu một chiến lược chiến tranh mới của Mỹ. Obama đã tuyên bố một chiến lược chiến tranh mới cách đây hai tháng. Chính quyền của ông hy vọng rằng, thay đổi chỉ huy quân đội sẽ giúp thực hiện hiệu quả hơn chiến lược đó, nghĩa là đánh bại các phần tử khủng bố al-Qaeda tại Afghanistan và Pakistan, đồng thời ngăn không cho chúng trở lại hai nước này.
William Fallon, Đô đốc hải quân đã nghỉ hưu và từng là chỉ huy các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan cũng như Trung Đông năm 2007-2008, lạc quan rằng Tướng McChrystal sẽ tạo ra sự khác biệt. Trung tướng Dennis J. Hejlik cũng có nhận định tương tự: "Ông ấy thực sự hiểu sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến này bằng cách giết mọi kẻ thù".
McKiernan gần đây đã mô tả cuộc chiến này là "bế tắc" ở miền nam Afghanistan, nơi Taliban mạnh nhất. Ông đã kêu gọi bổ sung thêm quân Mỹ tới chiến trường này, song những đề xuất của ông đã bị chính quyền Bush từ chối vì Iraq lúc đó là trọng tâm của Nhà Trắng.
Obama đắc cử Tổng thống, tuyên bố Afghanistan và Pakistan là ưu tiên hàng đầu. Ông cho rằng, ngăn chặn al-Qaeda mở các cuộc tấn công mới có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn nhiều sứ mạng ở Iraq. Ông cũng nói rằng sẽ không "mù quáng giữ nguyên chiến lược" ở Afghanistan và sẽ thường xuyên xem lại đường lối của ông. Kể từ đó tới nay, tình hình quân sự cũng như chính trị ở Afghanistan đã trở nên tồi tệ hơn.
Quan điểm trung tâm của Obama, cũng như các tư lệnh cấp cao, là rằng sức mạnh quân sự sẽ không dẫn tới thành công. Sự ổn định ở Afghanistan sẽ không thể đạt được nếu không có sự ổn định ở nước láng giềng Pakistan, nơi phong trào Taliban đang trỗi dậy.
Điều đó có nghĩa là Obama sẽ trông cậy vào McChrystal, mong đợi vị chỉ huy mới này tìm ra những cách thức hiệu quả hơn gắn các hành động quân sự với nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền Afghanistan, mở rộng và cải thiện lực lượng an ninh quốc gia, thúc đẩy sự hòa giải với các thành phần Taliban ôn hòa và đánh bại chiến dịch tuyên truyền của Taliban, al-Qaeda.
Điều đó cũng có nghĩa là, xoay chuyển cuộc chiến ở Afghanistan sẽ cần những thay đổi vượt quá tầm kiểm soát của Obama, có lẽ quan trọng hơn cả là phản ứng có hiệu quả hơn của Chính phủ Pakistan đối với cuộc nổi dậy của Taliban tại Pakistan.
Hy vọng
Hai tháng sau khi tuyên bố chiến lược mới ở Afghanistan, Obama vẫn chưa xoay chuyển được tình hình ở Afghanistan. Triển vọng của cuộc chiến không mấy sáng sủa.
Tại một phiên điều trần hôm 12/5 của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ James Risch đã vẽ một bức tranh u ám. Ông nói rằng, ông sửng sốt bởi không có tiến triển gì ở Afghanistan - nơi ông gọi là "một lỗ đen" không đáy.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Richard Holbrooke, người điều phối chính sách của Washington về Pakistan và Afghanistan, đã đáp lại rằng đánh giá ban đầu của ông không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, ông quả quyết rằng chiến lược mới của chính quyền Obama có thể thành công và đập tan mạng lưới khủng bố đã tấn công nước Mỹ vào ngày 11/9/2001 quan trọng tới mức không thể không tiếp tục.
Obama cần Quốc hội cung cấp thêm hàng tỷ USD viện trợ cho Pakistan nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của chính phủ hiện nay ở Islamabad bởi bất ổn từ sự sụp đổ đó có thể lan sang Afghanistan.
Một trở ngại nữa đối với sự tiến bộ ở Afghanistan là sự thương vong của dân thường do các vụ không kích của quân đội Mỹ gây ra. Vấn đề này đang ngầm phá hoại sự ủng hộ của công chúng Afghanistan với sứ mạng của Mỹ tại đó và Taliban đang lợi dụng việc này để tuyên truyền rằng Chính phủ Afghanistan là một con rối của Mỹ.
Đây cũng là một vấn đề đòi hỏi giải pháp đổi mới.