Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức tập huấn truyền dạy Nói thơ Vân Tiên.
Tầm vóc quốc tế
Việc UNESCO thông qua nghị quyết công nhận Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu được xem là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của UBND tỉnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam.
Trong lần làm việc với tỉnh mới đây, ông Cung Đức Hân - Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao - Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhận định, việc UNESCO thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị văn hóa và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu. Thông qua các hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.
Theo ông Cung Đức Hân, tỉnh cần tập trung cao vào 3 hoạt động chính đã thống nhất với UNESCO là trưng bày “Cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”, lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, đảm bảo trang trọng, xứng với tầm vóc của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đối với thế giới.
Giáo sư Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trong năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND giao cho ông viết quyển sách “Nguyễn Đình Chiểu - Nhà thơ lớn, Nhà văn hóa kiệt xuất” (đã xuất bản). Theo phân tích của Giáo sư Nguyễn Chí Bền, cụ Đồ Chiểu là một người con hiếu thảo. Nghe tin mẹ mất trên đường từ kinh đô Huế về thành Gia Định, cụ đã khóc thương mẹ đến mù cả hai mắt. Đối mặt với sự trắc trở của số phận, cụ đã tự vượt lên thử thách của cuộc đời. Làm thầy thuốc, làm thầy giáo là lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy đặt ra bao thách thức cho người bình thường, càng khó khăn cho một người mù lòa, dang dở công danh.
Theo Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất đã đồng hành cùng người dân Bến Tre nói riêng, người dân Việt Nam nói chung gần 200 năm qua. Tư tưởng thương yêu con người, yêu hòa bình, triết lý văn hóa sâu sắc của cụ thể hiện trong sáng tác văn chương, trong hành động của Nguyễn Đình Chiểu là di sản quý giá, đồng hành cùng con người hôm nay đi tới tương lai.
Diễn xướng Nói thơ Vân Tiên ra đời
Truyện thơ Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm có 2.075 câu thơ, với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ). Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Nói thơ Vân Tiên là cách diễn xướng rất đặc trưng của truyện thơ Lục Vân Tiên do nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sáng tác. Nói thơ Vân Tiên hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau.
Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo trong số những truyện thơ ở Việt Nam. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm không chỉ là gửi gắm niềm một khát vọng, một lý tưởng sống, một mục đích sống, một ý chí sống to lớn của Nguyễn Đình Chiểu mà còn phản ánh cuộc đời của cụ. Đặc biệt, từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã cho ra đời loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên. Trong các thể loại của Diễn xướng dân gian thì Nói thơ Vân Tiên là thể loại có tính hát nói đặc thù, đã đi vào tâm hồn, niềm tự hào của người Nam bộ nói chung, Bến Tre nói riêng.
Cũng là người có nhiều nghiên cứu về Đồ Chiểu, Bảo pháp Lữ Minh Châu - Tổng Biên tập Tạp chí Cao Đài đã có nhiều nghiên cứu về Nói thơ Vân Tiên, là một trong số ít người còn lưu giữ, thực hành Nói thơ Vân Tiên. Ở tuổi 76, ông đã có hơn 40 công trình nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến thơ văn, tư liệu về Nguyễn Đình Chiểu. Ông cho biết, từ nhỏ, ông đã yêu thích thơ, văn của Nguyễn Đình Chiểu và xem đây là một cách để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách của bản thân mình.
Thực hiện Luận văn Thạc sĩ (năm 1996), Bảo pháp Lữ Minh Châu đã chọn đề tài “Nguyễn Đình Chiểu - Nhà thơ đạo lý”. Bản thân ông cũng là giáo viên, với hơn 30 năm tham gia giảng dạy tại Trường THPT Ba Tri (nay là Trường THPT Phan Thanh Giản). Đồng thời, ông cũng là người sáng lập Câu lạc bộ Thơ Ba Tri.
Qua nghiên cứu, Bảo pháp Lữ Minh Châu cho rằng, từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã sản sinh ra một hình thức mới tại Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Đó là Nói thơ Vân Tiên. Tiếp nối từ ông bà, nay ông cũng tiếp tục gìn giữ loại hình Diễn xướng Nói thơ Vân Tiên bằng sự yêu thích và niềm tự hào.
Bảo pháp Lữ Minh Châu cũng là một trong những người tham gia các hoạt động về nguồn truyền dạy Diễn xướng Nói thơ Vân Tiên do Hội Di sản văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hướng đến kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, ngoài cung cấp những nguồn tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, Bảo pháp Lữ Minh Châu còn tham gia viết tham luận cho Hội thảo khoa học quốc tế, với chủ đề “Nguyễn Đình Chiểu - Nhà thơ phổ truyền đạo lý”. Đồng thời, ông đăng tải nhiều tác phẩm trên Tạp chí Cao Đài, góp phần tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu theo chủ trương của tỉnh.
Hướng đến kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, rộng rãi về quy mô, có chiều sâu về nội dung, đa dạng về hình thức, bảo đảm hiệu quả, truyền tải giá trị nhân văn qua cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cả nước, khu vực và quốc tế. Giới thiệu quảng bá về đất và người Bến Tre, giá trị lịch sử, văn hóa, cốt cách con người Bến Tre, hướng đến xây dựng hình ảnh của địa phương trong liên kết vùng của khu vực và cả nước. |
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt