Đánh giá thực chất hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác

20/01/2019 - 07:55

Chiều 19-1-2019, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019; kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trương ương dự Hội nghị. 

Đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục phát triển trên địa bàn cả nước, đang trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế. Năm 2018, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng từ 8,2% - 25,4% so với năm 2017. Cả nước có 22.456 hợp tác xã, trong đó có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp (gần 50% hoạt động hiệu quả), 7.563 hợp tác xã phi nông nghiệp (hơn 60% hoạt động hiệu quả), 1.181 quỹ tín dụng nhân dân. Cùng với đó còn có 74 liên hiệp hợp tác xã ở 36 tỉnh, thành phố (tỷ lệ hoạt động hiệu quả gần 50%); 103.435 tổ hợp tác đăng ký hoạt động. 

Nhiều hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, có chuyển biến về quy mô, công nghệ, năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ và thành viên. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được nhiều nơi triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hoạt động có hiệu quả. 

Năm 2018, cả nước có khoảng 15% tổng số hợp tác xã nông nghiệp và hơn 60% hợp tác xã phi nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã sử dụng các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa khoảng 18 tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng 77 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị tại 51 tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương có mô hình hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; đẩy mạnh thành lập liên hiệp hợp tác xã để liên kết các hợp tác xã làm "đầu kéo" huy động nguồn lực đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi với hình thức phong phú, đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế nhanh, bền vững của đất nước.

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả hoạt động trong năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, bằng tổ chức và hoạt động năng động, tích cực, nhiệt huyết, có trách nhiệm, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã làm cho hệ thống chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến tổ chức hoạt động của mình, góp phần làm cho cả hệ thống chính trị quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tập thể và hợp tác xã. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng ghi nhận, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã kết hợp tốt việc huy động nguồn lực và tư vấn cho hợp tác xã để xây dựng các đề án và hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo chuỗi giá trị, góp phần nâng chất lượng các hợp tác xã đã có và phát triển các hợp tác xã mới. Quan tâm đến những hoạt động để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. 

Một điểm nổi bật nữa được Phó thủ tướng đề cập, đó là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ hợp tác xã. Năm 2018, mở 100 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 6.154 lượt cán bộ hợp tác xã, đào tạo nghề cho hơn 2.000 học sinh, tổ chức các hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã… Phó thủ tướng cho rằng đây là khâu rất trúng. 

Phó thủ tướng cũng đánh giá cao công tác hợp tác quốc tế, tuyên truyền, khai thác nguồn lực phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Kinh tế hợp tác đã có bước phát triển. Từ chỗ, giai đoạn 2013 – 2015 chỉ có 10% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đến nay, đã có trên 50% hợp tác xã trong lĩnh vực này hoạt động có hiệu quả.

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2019, Phó thủ tướng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bám sát Điều lệ để hoạt động. Trong đó, chú trọng làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực trong các lĩnh vực, các ngành, các khu vực và tổng kết, nhân diện rộng; tuyên truyền, vận động phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Liên minh thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ công hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được giao; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự hình thành và phát triển của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và các thành viên. Đại diện cho các thành viên trong quan hệ hoạt động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện tốt 12 nhiệm vụ được giao, phối hợp thực hiện và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; thực hiện các dịch vụ công, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các thành viên về pháp lý, đầu tư, khoa học - công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, kiểm toán, bảo hiểm, kiểm định chất lượng hàng hóa và các lĩnh vực khác. Đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động kinh tế vì mục tiêu phát triển hệ thống Liên minh Hợp tác xã và hỗ trợ thành viên. 

“Hoạt động kinh tế không phải nhằm vào mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu phát triển hệ thống Liên minh Hợp tác xã và hỗ trợ thành viên”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Liên minh cần bám sát chức năng, nhiệm vụ để đánh giá, từ đó nêu rõ đã tác động đến việc phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã như thế nào, tránh việc một số chuyên gia lo ngại về việc “hành chính hóa một số tổ chức có tính chất đại diện quyền lợi cho các tổ chức thành viên”. Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ, xây dựng kế hoạch hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, quản lý nhà nước về kinh tế tập thể hợp tác xã là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được ủy thác một số nhiệm vụ về chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt là kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, để khắc phục việc buông lỏng, không quan tâm chỉ đạo quyết liệt và gò ép, hành chính hóa, hình thức. 

“Theo tiêu chí xã nông thôn mới, dứt khoát phải có một hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Sắp tới phải rà soát kỹ có đúng là có một hợp tác xã hoạt động hiệu quả hay không, còn nếu lập ra hình thức để đối phó với tiêu chí này thì dứt khoát không công nhận”, Phó thủ tướng khẳng định.

Phó thủ tướng mong muốn Liên minh đề xuất cụ thể hóa quy chế hoạt động của hợp tác xã, quyền, trách nhiệm của thành viên, ban giám đốc, cơ cấu tổ chức hợp tác xã, tránh việc lỏng lẻo. Trên cơ sở đó, thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ để đánh giá kỹ. “Muốn hoạt động hiệu quả thì không có cách nào khác là phải vừa tư vấn, vừa hỗ trợ, vừa đầu tư phát triển nhưng đảm bảo phát triển bền vững, tránh hình thức. Khắc phục hai chuyện, một là quan liêu không quan tâm, hai là hình thức, không có hiệu quả”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng đề nghị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổng kết đánh giá 15 năm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX gắn với 25 năm tồn tại, phát triển của Liên minh; kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục định hướng giải pháp phát triển khu vực này cho xứng tầm nhiệm vụ, như một chủ thể quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Phó thủ tướng mong muốn Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hệ thống đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản trị hợp tác xã. Gắn với đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động, đào tạo, hỗ trợ tư vấn, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức triển lãm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP…

Cũng trong chiều 19-1-2019, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập (1993 – 2018). Tại Lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Phó thủ tướng cũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba cho lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; nhấn nút khai trương Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, Cổng thông tin điện tử phiên bản mới.

Nguồn: ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN