Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
20/11/2024 - 13:20
Ngày 20-11-2024, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo. Những vấn đề tuyển dụng, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm hay những vấn đề nóng trong giáo dục được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra tại Nghị trường.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Lương giáo viên đã được giải quyết?
Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, dự án Luật Nhà giáo đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo. Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ Đại hội đều nhất quán xác định “lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đồng thời, khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Đại biểu Trần Văn Thức cho biết: "So với quy định hiện hành tại các các luật có liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều quy định mới, trong đó có quy định về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo".
"Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành Giáo dục, tôi nhận thấy thực trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ngày càng trầm trọng. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên, không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn. Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát: Địa phương không thể tuyển được giáo viên, không thể tổ chức dạy một số môn học…", đại biểu Trần Văn Thức phân tích.
Về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi, Đại biểu Trần Văn Thức cho rằng, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới…
Đại biểu Trần Văn Thức cũng chỉ ra, lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất” trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sau hơn 10 năm vẫn không thể đi vào đời sống, khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo, nhưng đã được quy định tại dự án Luật lần này.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại phiên thảo luận tổ ngày 9-10-2024, còn nhiều ý kiến thảo luận của ĐBQH trao đổi về các nội dung hành vi nhà giáo không được làm, như ép buộc học sinh học thêm… Đề nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp ban hành Thông tư để quy định cụ thể trong thực tế.
"Trong tổ thảo luận ghi nhận ý kiến 2 chiều, tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, cần có quản lý phù hợp, không phải cứ không quản được thì cấm. Việc quản lý học thêm, dạy thêm phù hợp cũng đáp ứng nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh. Do đó cần có cơ chế quản lý. Ngoài ra, tại điểm B khoản 1, điều 16, quy định về tuyển dụng nhà giáo, thông qua xét tuyển, thi tuyển cần có thực hành sư phạm. Một số ý kiến cho rằng việc này không cần thiết, nhưng nghề giáo có tính chất đặc thù cần có những quy định đặc thù", đại biểu Đõ Huy Khánh cho hay.
Cần đánh giá kỹ tác động của chính sách
Cũng tại Nghị trường, những vấn đề nóng trong giáo dục như việc bảo vệ giáo viên trong bối cảnh hiện nay cần được làm rõ. Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện, chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.
Vì vậy, Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo; đồng thời góp phần hoàn thiện hành lang pháp luật trong lĩnh vực này. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá kỹ tác động, nhất là về nguồn lực tài chính. Đồng thời, cần rà soát kỹ hơn các quy định, chính sách có sự khác biệt về đối tượng, nội dung so với các luật hiện hành, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tránh những xung đột pháp lý khi luật này có hiệu lực.
Đại biểu cũng cơ bản thống nhất với những quy định về bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục tại Điều 25. Theo đó, việc bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục phải căn cứ vào tiêu chuẩn năng lực, uy tín của nhà giáo và các quy định khác của pháp luật. Nhà giáo được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục nếu giảng dạy đúng quy định, định mức thì được hưởng chính sách chế độ của nhà giáo và chế độ của quản lý. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn có không ít giáo viên không muốn giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục do áp lực về công việc và chế độ, chính sách chưa phù hợp. Nếu coi nhà giáo là viên chức đặc biệt thì cần có sự quan tâm, nghiên cứu; có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các nhà giáo có tài, tâm huyết có thêm động lực phấn đấu.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với những quy định này. Nhưng Đại biểu đề nghị cần làm rõ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và chế độ phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc theo vùng để tránh trùng lắp; tránh vướng mắc đối với những quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ nhà ở, tàu xe của giáo viên là những vấn đề có phạm vi rất rộng. Do đó, cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.