Dân vận khéo hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn

09/09/2022 - 05:42

BDK - Tuyến đê bao Bưng Tích từ quốc lộ 57 đến cống Sáu Kiểu qua ấp Phú Hưng hoàn thành, góp phần khép kín hệ thống đê bao trên địa bàn xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách. Đây là mô hình dân vận khéo tiêu biểu của xã Hưng Khánh Trung B đã được huyện công nhận, khen thưởng. Từ mô hình rút ra bài học kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với công trình thủy lợi chung của địa phương.

Người dân an tâm trồng trọt, sản xuất cây giống bên trong đê bao.

Tuyên truyền tạo sự đồng thuận

Ấp Phú Hưng có diện tích tự nhiên 122ha, với 364 hộ dân. Người dân trên địa bàn ấp đa số sống bằng nghề trồng trọt, chuyên canh cây ăn trái, sản xuất hoa kiểng, cây con giống và chăn nuôi. Các tuyến đê bao thủy lợi trên địa bàn trước đây chủ yếu do nhân dân tự làm và sửa chữa, gia cố hàng năm nhưng chưa đảm bảo khi triều cường cũng như ngăn mặn trữ ngọt.

Năm 2021, dự án nâng cấp đê bao từ quốc lộ 57 đến cống Sáu Kiểu trên địa bàn ấp được khởi công, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ các vườn cây ăn trái, cây giống của nhân dân. Công trình còn góp phần xây dựng xã Hưng Khánh Trung B đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021. Để triển khai công trình đê dài 1,85km, chân đê cao 6m, mặt đê 2,5m, yêu cầu người dân địa phương phải giải phóng mặt bằng để thực hiện.

Ông Phùng Văn Khừ - Bí thư Chi bộ ấp Phú Hưng cho biết: Nhận thấy tính cấp thiết của công trình, chi ủy, chi bộ quyết định tập trung cho công tác vận động nhân dân thực hiện. Chi bộ thành lập Ban vận động xây dựng mô hình Dân vận khéo gồm 9 thành viên do bí thư chi bộ làm trưởng ban; trưởng ấp làm phó ban; các thành viên gồm: chi hội trưởng các đoàn thể, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản có liên quan đến tuyến đê bao. Ban vận động triển khai tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong ấp về mô hình đang thực hiện. Hàng tháng, ban đều tổ chức sinh hoạt định kỳ để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong tháng và xác định các giải pháp hoạt động cho tháng sau.

Để thực hiện đạt hiệu quả công tác vận động, các thành viên trong Ban công tác Mặt trận ấp, Ban vận động đã thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, ấp kiểu mẫu đến từng hộ dân. Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, phát triển giao thông nông thôn là lợi ích, quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Đó chính là điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ban vận động đã tổ chức 3 cuộc họp, với 32 hộ gia đình tham dự. Trong đó, có mời nhân dân Tổ nhân dân tự quản từ số 9 - 12 và một số người dân các tổ có liên quan. Trong các buổi họp, Ban vận động đều gợi ý các vấn đề có liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, nâng cấp tuyến đê bao để người dân tham gia ý kiến, giải đáp những băn khoăn mà một số hộ còn gặp phải. Từ đó, người dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tự nguyện hiến đất, hoa màu để xây dựng đê bao nông thôn.

Hiệu quả từ công trình

Từ tuyên truyền tích cực và kiên trì vận động, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân đã chuyển biến rõ rệt. Nhân dân đồng tình cao và tích cực tham gia giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công. Hiểu được lợi ích khi có tuyến đê bao kiên cố, bà con đồng tình hưởng ứng hiến đất, hoa màu giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích 13.360m2. Người dân góp 162 ngày công lao động. Tổng thành tiền trên 2,2 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch đề ra.

Tuyến đê bao hoàn thành đã mang lại phấn khởi cho người dân trong ấp Phú Hưng vì các vườn cây đã được bảo vệ, không bị ngập úng như những năm trước. Chị Huỳnh Thị Phúc, Tổ nhân dân tự quản số 11, ấp Phú Hưng cho biết: Từ khi có đê bao, người dân ở đây an tâm hơn, không còn lo triều cường ngập úng. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất cây giống, hoa kiểng.

Gia đình chị Huỳnh Thị Phúc chuyên làm cây giống các loại và làm mai con, mai ghép. Trước đây, do tiếp giáp với sông nên khi triều cường lên cao, vùng đất canh tác thường xuyên bị ngập úng. Chị Phúc chỉ duy trì diện tích sản xuất khoảng 3 - 4 công đất. Khi tuyến đê bao khép kín, gia đình chị mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, mở rộng sản xuất hơn 10 công đất. Bản thân chị còn tham gia vào công tác phụ nữ ấp, cùng đoàn thể, chính quyền vận động nhân dân cùng đồng thuận vào chủ trương, công trình chung của xã.

“Sau khi xây dựng hoàn thành tuyến đê bao, Ban vận động tiếp tục khuyến khích, vận động người dân, các đoàn thể trên địa bàn ấp hoàn thành việc tu bổ, gia cố cho tuyến đê được kiên cố hơn. Đồng thời, phân công các tổ quản lý, phụ trách đóng mở 18 nắp cống ngăn mặn dọc theo tuyến đê, góp phần đảm bảo phòng chống hạn mặn”.

(Bí thư Chi bộ ấp Phú Hưng Phùng Văn Khừ)

Bài, ảnh: Hạnh Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN