|
Anh Nguyễn Văn Em đến hộ chăn nuôi kiểm tra việc xử lý nước thải. Ảnh: Q.H |
Là một bí thư chi bộ đã nhiều năm lăn lộn với các phong trào tại địa phương, liên hệ với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, anh Nguyễn Văn Em, Bí thư Chi bộ ấp An Phong, xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam) đã vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, trả lại khu dân cư xanh-sạch-đẹp cho mọi người.
Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 7-2010, chúng tôi cho xe chạy dọc theo những con đường thuộc ấp An Phong, xã An Thạnh. Hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy ở hai bên đường đó là sự thông thoáng, sạch sẽ và đặc biệt mùi hôi từ 78 trại chăn nuôi heo lớn và vừa, với tổng đàn heo khoảng 3.000 con nơi đây đã giảm một cách đáng kể. Điều gì đã làm thay đổi ở một ấp có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng nay trở nên sạch đẹp?.
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Văn Em cho biết đó là nhờ thực hiện phương châm “Ý Đảng hợp với lòng dân thì việc gì cũng thành công”.
An Phong là một ấp nằm ngay trung tâm xã. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế của người dân cao, mô hình chăn nuôi heo được nhanh chóng hình thành. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do người dân ở đây xả phân và nước thải từ các trang trại ra sông, rạch… Trước tình hình bức xúc đó, Chi bộ ấp An Phong xác định cần phải cải thiện môi trường, bằng mọi cách phải tiếp cận tuyên truyền cho người dân hiểu về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống và có ý thức chấp hành tốt.
Với tinh thần trách nhiệm cao, anh Nguyễn Văn Em thường xuyên đi xuống tận các hộ để nắm bắt tình hình nhằm có hướng cùng với bà con khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, Chi bộ ấp An Phong đã tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, luôn lắng nghe những ý kiến phản hồi, kiến nghị từ phía người dân để từ đó có những biện pháp khắc phục. Qua đó, tạo nên khối đoàn kết thống nhất trong toàn chi bộ, nhân dân, hướng đến mục tiêu chung là xây dựng môi trường trong lành, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, Chi bộ ấp đã thực sự làm lay chuyển từ nhận thức cho đến hành động của người dân. Hiện nay, toàn ấp có 31/78 hộ chăn nuôi vừa và nhỏ có hầm hoặc túi biogas, đồng thời cam kết thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý chất thải và nước thải đúng theo quy định của Nhà nước. Chị Nguyễn Thị Tiền, ngụ tại ấp An Phong, là hộ chăn nuôi heo có quy mô vừa, cho biết: “Tôi chăn nuôi heo đã nhiều năm nay, trước kia cứ xả chất thải và nước thải từ trang trại ra kênh rạch. Nhưng khi được phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình với môi trường sống xung quanh, xây hầm biogas để xử lý chất thải, nước thải...”.
Mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm của Chi bộ ấp An Phong là sẽ vận động được 100% hộ chăn nuôi heo xây dựng hầm hoặc túi biogas. Để có thể tác động đến ý thức của người dân, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đó là cả một quá trình, mà trước tiên cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị lớn lao, đòi hỏi người cán bộ phải có cái tâm, lòng nhiệt tình và cả sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, đặc biệt phải biết làm “dân vận khéo” – anh Em chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bí thư ấp An Phong, bài toán khó đặt ra cho ấp hiện nay trong việc khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường đó chính là bãi rác của huyện gây ra mùi hôi rất khó chịu và Công ty TNHH Tấn Lợi (sản xuất thức ăn gia súc) thải ra khói, bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Có thể nói, trong thời gian qua Chi bộ ấp An Phong đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người dân nơi đây trong công tác bảo vệ môi trường. Khi được hỏi điều gì đã giúp anh làm tốt công tác dân vận, anh Em tâm đắc: “Làm công tác dân vận đòi hỏi phải có cái tâm, mềm dẻo, tế nhị và có nghệ thuật ăn nói. Điều quan trọng là phải biết tôn trọng người dân, lắng nghe dân nói, nói cho dân nghe, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thông cảm, sẻ chia”.