Đảm bảo sức khỏe trong mùa thi

18/06/2018 - 07:27

BDK - Hàng năm, vào mùa thi, hầu hết các em học sinh đều vắt sức để dành thời gian cho ôn luyện mà quên đi chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Điều này dễ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe. Do đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mùa thi là cần thiết.

Cần quan tâm bổ sung trái cây vào bữa ăn hằng ngày. Ảnh: K.M

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý

Y học đã xếp chế độ học tập, làm việc của học sinh, sinh viên thuộc loại hình lao động có mức tiêu hao năng lượng tương tự lao động thể lực vừa, nhưng tại những thời điểm ôn luyện và thi cử do tính chất khẩn trương, căng thẳng thì còn tiêu hao năng lượng cao hơn. Do đó, chế độ ăn, uống của “sĩ tử” vừa phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể đang tuổi lớn, đồng thời phải bù đắp được phần năng lượng tiêu hao do học tập nhiều.

Bữa ăn của các em học sinh cần có đủ chất, đặc biệt là có đủ protein, vitamin và chất khoáng. Nên chọn thịt nạc (thịt gà), cá, đậu, các loại rau, quả tươi. Một khẩu phần đa dạng, cân đối, được chế biến hợp khẩu vị, thường xuyên thay đổi món để ăn ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh cần lưu ý ăn thức ăn dưới dạng nhiều nước, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, hạn chế các món chiên, xào hoặc kho khô, mặn. Phân chia bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa hơn bình thường, nên có bữa ăn phụ vào mỗi buổi tối, bữa ăn sáng nên là bữa ăn chính trong ngày, tránh nhịn ăn hoặc ăn ít vì có thể gây hạ đường huyết.

Nước uống hằng ngày nên đạt 1,5 - 2 lít, uống 1 - 2 ly sữa để cung cấp thêm chất đạm và các vi chất cần thiết. Ngoài ra, các em học sinh cần uống thêm các loại nước rau và hoa quả để cung cấp thêm cho cơ thể vitamin và muối khoáng; không nên thức khuya, vì thức khuya thì ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi, không làm bài được. Bố trí thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, ngủ 7 - 8 giờ/ngày, nhiều nhất là về đêm để sáng sớm tỉnh dậy có tinh thần tỉnh táo, có khả năng hoạt động tốt nhất.

An toàn thực phẩm

Thời điểm diễn ra kỳ thi, có rất nhiều quán cơm bình dân, quán ăn vỉa hè, các cửa hàng bán các loại thức ăn được mở ra quanh khu vực thi và gần nơi cư trú của thí sinh. Tuy nhiên, có những hàng quán chế biến thức ăn không đảm bảo chất lượng, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe thí sinh. Đặc biệt, vào mùa hè, nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, làm thức ăn dễ bị ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và sinh ra các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của thí sinh.

Thời gian qua, đã có một số trường hợp thí sinh ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dẫn tới bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến việc tham gia kỳ thi.

Để chủ động kiểm soát vấn đề ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa thi, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về kiến thức liên quan đến đảm bảo ATVSTP, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho những người chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể, căn-tin của trường học, thức ăn đường phố và ngay tại trường học.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro do ngộ độc thực phẩm, các thí sinh cần phải hạn chế việc sử dụng thức ăn đường phố không đảm bảo ATVSTP, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có biểu hiện ôi thiu, biến chất. Nên ăn uống ở những cơ sở có uy tín, hợp vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Cần thận trọng trong việc chọn lựa các thực phẩm sạch, không ăn các loại thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe: ăn thịt tái, hải sản tươi sống hay chưa chín, các món có trứng nấu chưa chín, các món gỏi, rau sống chưa được rửa kỹ... Chọn thức ăn tươi, sạch. Nên xóa bỏ những mê tín như: ăn chuối sẽ bị trượt vỏ chuối, hoặc ăn trứng bị điểm 0, ăn đậu đen gặp vận đen... vì chuối là thức ăn bổ, an toàn, chứa nhiều vitamin và muối khoáng, trứng là thức ăn giàu chất đạm tốt trong lúc học và lúc thi, đậu đen chứa nhiều chất đạm.

Khi thấy có biểu hiện khác thường như khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy… do ngộ độc thực phẩm cần liên hệ cơ sở y tế tại điểm coi thi để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới kỳ thi.

Bác sĩ Trần Văn Lớn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN