|
Thu hoạch lúa ở xã Giao Long (Châu Thành). Ảnh: H.H |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trong tỉnh khá ổn định. Lúa mùa đã thu hoạch cơ bản xong, với diện tích 33.146ha, năng suất đạt 44,49 tạ/ha, sản lượng đạt 147.482 tấn.
Mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng có giảm nhưng không đáng kể. Riêng vụ Đông - Xuân, toàn tỉnh đã xuống giống 19.830ha, đạt 105% kế hoạch. Sâu bệnh phát triển không đáng ngại, nhưng nước mặn đang đe dọa nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Thạnh Phú có 177ha bị nhiễm mặn, trong đó có 83ha bị thiệt hại từ 10-30%, 94ha thiệt hại trên 70%, gồm các xã: Hòa Lợi, Quới Điền.
Cây mía niên vụ 2012-2013 còn khoảng 4.500ha, hầu hết các địa phương đều giảm diện tích. Tuy nhiên, Thạnh Phú tăng diện tích, do có nhiều nông dân trồng mía dưới chân ruộng đạt hiệu quả cao.
Cây dừa diện tích khá ổn định, khoảng 58.441ha, sản lượng thu hoạch tháng 2 khoảng 38 triệu trái. Hiện giá dừa khô có cải thiện và tăng dần, nhưng chưa ổn định. Giá dừa trung bình 3.900 đồng/trái, tăng 700 đồng/trái; dừa uống nước khoảng 5.000 đồng/trái, tăng 300 đồng/trái. Hiện các huyện, thành phố đang bắt đầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ tiền phân bón đợt 2 để nông dân tiếp tục ổn định diện tích vườn dừa; đồng thời, ngành cũng đã khuyến khích nông dân tích cực trồng xen, nuôi xen để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Tỉnh đã kiến nghị với Trung ương có chính sách hỗ trợ ngành dừa, doanh nghiệp cải tiến công nghệ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh kêu gọi và xúc tiến đầu tư vào ngành chế biến dừa Bến Tre.
Việc trồng cacao xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái đã phát huy hiệu quả ngày càng rõ nét. Toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha cacao. Thị trường đầu ra cacao khá ổn định, hiện giá khoảng 3.300 đồng/kg (trái tươi).
Chăn nuôi không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đàn bò ổn định và ngày càng phát triển khá mạnh, nhất là ở Ba Tri, Thạnh Phú. Toàn tỉnh có khoảng 150.000 con bò, 417.000 con heo, 4,865 triệu gia cầm. Do năm nay, các địa phương, hộ dân tuân thủ thả nuôi tôm biển đúng lịch thời vụ cho phép của UBND tỉnh (từ 15-2), nên diện tích thả giống có chậm, mới chỉ khoảng 200ha. Số diện tích còn lại đang được tập trung cải tạo ao nuôi, lấy nước, xử lý nước để chuẩn bị thả giống. Diện tích tôm quảng canh, tôm rừng đang phát triển ngày càng mở rộng, hiệu quả, với diện tích thả nuôi 24.387ha. Nuôi thủy sản nước ngọt có thuận lợi rất lớn. Cá tra thâm canh, bán thâm canh có diện tích nuôi khoảng 475ha. Đặc biệt, nghề nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ phát triển ổn định, không xuất hiện dịch bệnh và chết nghêu như nhiều năm trước đây, hiệu quả khá cao. Hầu hết các hợp tác xã nghêu trong tỉnh đều trúng mùa nghêu, sò; có đơn vị doanh thu tăng gấp đôi năm ngoái. Hiện, nghêu giống đã bắt đầu xuất hiện, nghêu nuôi phần lớn là nghêu trung (cỡ 90-120 con/kg), nghêu thịt (30-60 con/kg) không nhiều, chỉ còn nhiều ở Hợp tác xã Đồng Tâm (Bình Đại); Bình Minh (Thạnh Phú). Giá nghêu hiện khoảng 18.000-19.000đồng/kg, giảm do có sự cạnh tranh nguồn nguyên liệu nghêu thịt từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào thị trường phía Nam tiêu thụ. Mặt khác, nghêu thịt ở Tiền Giang, Cần Giờ cũng đang vào vụ thu hoạch rộ. Lượng nghêu thịt quá cỡ hoặc cỡ nhỏ rất khó bán, chỉ tiêu thụ nội địa.
Tuy 2 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi nhưng hiện nay ngành cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi nước mặn đã lên khá sớm, bước đầu gây trở ngại cho một số loại cây trồng, vật nuôi. Ngành nông nghiệp đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống hạn mặn, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống hiệu quả, đảm bảo tốt nhất cây trồng vật nuôi, tăng cường quản lý giống, môi trường chăn nuôi thủy sản.