Đảm bảo nguồn nhân lực cho tương lai

04/11/2019 - 06:40

BDK - Theo phân tích của các chuyên gia khi xây dựng tầm nhìn chiến lược (TNCL) phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguồn nhân lực (NNL) là một trong các vấn đề mà tỉnh cần đặc biệt quan tâm để thực hiện các giải pháp mang tính động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra. NNL - con người luôn là yếu tố then chốt.

Đầu tư để phát triển nguồn nhân lực trẻ đầy triển vọng. 

Tạo môi trường lao động tốt

Các số liệu thống kê về lao động cho thấy, tỷ lệ lực lượng lao động trong tổng dân số của tỉnh lại đang có xu hướng tăng và cao thứ nhì trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đạt mức 63,8% (năm 2018), dự báo nguồn lao động dồi dào. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng dân số của tỉnh lại chỉ có 0,1% trong giai đoạn 2016 - 2018, thấp nhất ở khu vực. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên giảm dần và xu hướng di dân chưa được cải thiện.

Tình trạng người dân trong độ tuổi lao động rời quê hương, đi làm ăn ở địa phương khác từ lâu đã trở nên quá quen thuộc. Con đường học xong phổ thông rồi đi lên các thành phố lớn để học đại học, sau đó làm việc ở thành phố như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ dường như đã mặc định sẵn trong tư tưởng của nhiều bạn trẻ. Đáng nói là cũng có nhiều trường hợp quay về quê hương nhưng không tìm được công việc và môi trường làm việc phù hợp nên lại tiếp tục ra đi.

Tỷ lệ di cư của tỉnh có cải thiện trong những năm gần đây, cụ thể là từ -15,3% vào năm 2010 và ở mức -5% vào năm 2018. Sự cải thiện này là do trong thời gian này, tỉnh đã hình thành được 2 khu công nghiệp là Giao Long và An Hiệp, đã góp phần tạo nhiều vị trí việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Theo phân tích của các chuyên gia, cùng với giải pháp là tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, tỷ lệ di cư có thể được cải thiện nếu tạo dựng được môi trường làm việc tốt, đồng thời kết nối hạ tầng với TP. Hồ Chí Minh được phát triển thuận lợi hơn.

Sau những đợt tham vấn chuyên gia về TNCL, một trong các mục tiêu của TNCL phát triển kinh tế - xã hội là đến năm 2045, Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển tốt, tiên tiến và theo hướng bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân. Quy chiếu trở lại vấn đề NNL của tỉnh, qua trao đổi với một số bạn trẻ về vấn đề làm việc ở quê nhà, đa phần họ đều mong có được môi trường làm việc phù hợp. Môi trường làm việc phù hợp ở đây được kể đến chủ yếu là: công việc phù hợp chuyên môn, có thu nhập tốt, có cơ hội phát triển bản thân… Như vậy, việc tạo dựng một môi trường làm việc tốt có thể xem là giải pháp để chuẩn bị cho NNL tương lai, trong đó là thu hút người tài về làm việc tại tỉnh, giữ chân nguồn lao động trẻ dồi dào đang có xu hướng phát triển của tỉnh.

Sự nỗ lực của mỗi cá nhân

Trước hết, để đạt được những mục tiêu đó, với NNL hiện có, chúng ta cần tự “đầu tư” cho chính bản thân mình, để mỗi người với năng lực của mình, chung tay xây dựng quê hương. Chia sẻ trong cuộc đối thoại với thanh niên tỉnh nhân Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 - 2022 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi có đề cập đến việc cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đa dạng sinh kế giảm nghèo và khởi nghiệp (KN) để nâng cao đời sống người dân hiệu quả hơn. “Chúng ta phải nhìn vào đời sống của nhân dân, tìm sự thỏa mãn, sự hạnh phúc thể hiện trong ánh mắt của nhân dân để lấy đó làm mục tiêu, làm nhiệm vụ, sứ mệnh mà phấn đấu trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Cũng tại buổi đối thoại này, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trao đổi với thanh niên về vấn đề KN. Không chỉ được hiểu ở góc độ là KN để một cá nhân thoát nghèo, KN cần được hiểu rộng hơn với ý nghĩa là sự lập nghiệp, bắt đầu sự nghiệp của một đời người, xa hơn là của một địa phương, một đất nước. “Để KN cần có ý định nghiêm túc, KN là một sự dấn thân, từ chính bản thân mình mong muốn làm rồi từ đó suy nghĩ cách làm, chứ không phải là nghĩ đến việc ai sẽ hỗ trợ mình, có chính sách hay có ưu đãi gì không. Chúng ta chỉ nên xem đấy là yếu tố hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định. KN phải thật sự là cái chúng ta muốn làm, phải xem là việc của mình để làm đến nơi đến chốn, cho dù có thất bại”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nói. Không chỉ riêng KN mà thiết nghĩ trong mọi chương trình, kế hoạch hành động dù nhỏ hay lớn, người thực hiện cũng cần xác định một tinh thần rõ ràng như vậy.

Phát triển NNL được xác định là một trong các yếu tố hỗ trợ, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng các trụ cột phát triển chiến lược quan trọng của kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ 2020 - 2030, chúng ta sẽ triển khai thực hiện các giải pháp theo quy hoạch đó, theo chiến lược đó, với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ đạt được vị trí thuộc tốp đầu của đồng bằng sông Cửu Long, tốp 30 của cả nước, tự cân đối ngân sách, đưa thu nhập của người dân tỉnh nhà đạt hoặc vượt mức bình quân chung của cả nước. Đây là một thách thức rất lớn, cần có giải pháp để thực hiện. Và đây không chỉ là câu chuyện của cá nhân hay một đơn vị, địa phương mà là câu chuyện của cả tỉnh.

Theo dự thảo TNCL của tỉnh, có 5 từ khóa thể hiện tinh thần tương lai Bến Tre là: đáng sống, thu nhập tốt, xanh sạch, thân thiện và hiện đại. Trong đó, “đáng sống” chính là xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh có chất lượng cuộc sống cao toàn diện ở mọi mặt (thu nhập, cơ sở hạ tầng, môi trường…), khiến người dân không phải di cư. Cùng với “thu nhập tốt” là làm cho thu nhập của người dân tỉnh sẽ được thay đổi tích cực, ở vị trí khá cho đến dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp đảm bảo an sinh xã hội. Một môi trường sống “xanh sạch”, “thân thiện”, “hiện đại” sẽ vừa là mục tiêu cần đạt được vừa là các giá trị mà tỉnh cần xây dựng để trở thành “đất lành”, trước hết là cho cư dân tỉnh, tiếp đến là mời gọi người tài đến lập nghiệp, phát triển.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN