Đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu

28/12/2020 - 07:04

BDK - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2020 - 2030.

Vận chuyển nước ngọt phục vụ bà con huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Hữu Hiệp

Thực trạng quản lý nguồn nước

Về hệ thống thủy lợi, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, ODA, nhiều dự án, công trình thủy lợi trọng điểm đã được triển khai nhằm chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư khép kín, hàng năm, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Đặc biệt là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, nước mặn bao phủ toàn tỉnh, kéo dài từ 4 - 6 tháng, gây thiếu nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Về hệ thống cấp nước sinh hoạt, toàn tỉnh hiện có 68 nhà máy nước (NMN) cung cấp nước sạch cho trên 870 ngàn dân với tổng công suất khoảng 200 ngàn mét khối/ngày đêm, nguồn nước sử dụng chính cho các NMN từ nguồn nước mặt của các sông, kênh, rạch. Các đơn vị cấp nước đều có chế độ giám sát chặt chẽ chất lượng nước, từng bước nâng cấp, cải tạo đường ống, công nghệ xử lý nước đảm bảo áp lực cấp và chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế; một số trạm cấp nước đã trang bị hệ thống lọc RO. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp ở khu vực nông thôn. Nguồn nước cung cấp chính của các NMN từ nguồn nước mặt nên thường xuyên nhiễm mặn trong mùa hạn mặn, do đó ảnh hưởng đến công suất, chất lượng nước cấp. Hệ thống cấp nước của tỉnh còn đan xen, chưa đồng bộ, nhiều đầu mối quản lý, tính liên kết còn hạn chế, chất lượng nước có sự khác biệt giữa các nhà cung cấp.

Theo kết quả điều tra, đánh giá thì nguồn tài nguyên nước dưới đất của tỉnh có đặc điểm địa chất thủy văn phức tạp, có trữ lượng tương đối ít, phần lớn là nước mặn, nước nhiễm phèn. Bên cạnh đó, hiện nay, mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước đang bị hạ thấp, chất lượng nước dưới đất hiện đã có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái không đảm bảo cho sinh hoạt, nên nguồn nước sử dụng chính của tỉnh là nguồn nước mặt...

Từ giải quyết những hạn chế trên, chương trình được xây dựng với mục tiêu  là tập trung thực hiện nhiều giải pháp cả công trình và phi công trình. Đối với hệ thống công trình thủy lợi, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín, hệ thống trữ nước ngọt, hệ thống mạng cấp nước trong tỉnh; tăng dần mức đảm bảo cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh hoạt. Đối với cấp nước sinh hoạt, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn, bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định. Nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025 là 70% (trong đó đô thị đạt 93%), tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2030 là 77,5% (trong đó đô thị đạt 95%). Đa dạng hóa nguồn cung nước thô, đảm bảo ổn định, an toàn, khắc phục tối đa ảnh hưởng của hạn mặn.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường về tài nguyên nước trong điều kiện BĐKH, hoàn thành, đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống quan trắc, dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động; phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; phê duyệt và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các NMN trên địa bàn tỉnh; hoàn thành công tác kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện duy trì, bảo vệ các vùng đất ngập nước, môi trường tự nhiên nguồn nước.

Các giải pháp chủ yếu

Để thực hiện các mục tiêu trên cần triển khai thực hiện các giải pháp. Cụ thể là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến cấp ủy, nhân dân hiểu rõ về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nguồn nước trong điều kiện BĐKH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhà nước và nhân dân. Phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền và vận động người dân tích trữ nguồn nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm trước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô năm sau. Đồng thời, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có quy hoạch tài nguyên nước làm cơ sở trong việc hoạch định các chính sách về tài nguyên nước; áp dụng cơ chế thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước.

Đắp đê bao, xây cống kiểm soát nước mặn xâm nhập từ các sông vào nội đồng. Chủ động xây dựng các hồ nước trong điều kiện phù hợp, các hồ chứa nước ở vùng ven biển. Tăng cường tối đa khả năng lấy nước ngọt từ phía Bắc xuống cho vùng dự án. Đối với tiểu vùng Bắc Bến Tre, tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Tiểu vùng Nam Bến Tre, bao theo vành đai hai bên sông Cổ Chiên và Hàm Luông lên đến kênh Chợ Lách.

Xây dựng hồ trữ ngọt, kết hợp trữ trên hệ thống sông, kênh các cấp; nâng cấp, mở rộng các trục cấp tiếp nước chính như: nạo vét các hệ thống kênh trục, kênh cấp I và cấp II. Tạo điều kiện thuận lợi chuyển tải nước tưới cho mùa khô, với nguồn từ sông theo hệ kênh dọc và kênh ngang.

Lập kế hoạch đầu tư, cải tạo và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước; đầu tư và cải tiến công nghệ xử lý nước hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với BĐKH. Triển khai phương án đấu nối, chia sẻ nguồn nước giữa các nhà máy cấp nước để kịp thời đưa nguồn nước ngọt đến phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong mùa hạn mặn.

Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, nhất là nước thải từ đô thị và khu công nghiệp. Quản lý tổng hợp môi trường các nguồn cấp nước ngọt quan trọng trên địa bàn tỉnh. Quan trắc chất lượng nước, dự báo xâm nhập mặn, kịp thời dự báo, cảnh báo đến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý: đảm bảo hoàn thành và vận hành hệ thống quan trắc dự báo xâm nhập mặn và chất lượng nước tự động.

Thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách, kêu gọi đầu tư xã hội hóa để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các khu đô thị, khu dân cư. Tích cực vận động để huy động nguồn lực, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho việc bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước, sự nghiệp kinh tế và xã hội hóa…

Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của an ninh nguồn nước. Giải quyết tiêu nước chủ động, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn; xây dựng các dự án, hệ thống công trình thủy lợi trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và định hướng đến năm 2030 phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.

Nâng cao năng lực về cấp nước an toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm cấp nước an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch theo phân cấp, đảm bảo tất cả các đơn vị cấp nước đều xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch cấp nước an toàn.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống sự suy thoái nguồn nước, đảm bảo việc quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn.

  Thu Huyền (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN