Đảm bảo an ninh lương thực gắn với hiệu quả kinh tế

12/04/2019 - 07:22

BDK - Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi lưu ý việc quy hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp sắp tới của tỉnh và chính sách, điều hành các sở, ngành..., kể cả việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sẽ như thế nào? Mục tiêu vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, gắn với tổ chức lại các vùng trọng điểm để sản xuất hàng hóa, có chế biến sâu và các hình thức phân phối.

Nông dân tỉnh nhà đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CTV

Giảm diện tích lúa kém hiệu quả

Tỉnh có diện tích trồng lúa ít (năm 2008: 80 ngàn ha, năm 2018: 50 ngàn ha). Gần đây, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, năng suất lúa bị giảm đáng kể, người dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, cây ăn trái, rau màu và trồng cỏ nuôi bò, vì vậy diện tích lúa bị giảm đáng kể. Tính từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh chỉ xuất khẩu được 202,7 ngàn tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu chỉ bằng khoảng 8 - 10% sản lượng lúa gạo toàn tỉnh. Loại gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo thông dụng và một số ít là gạo thơm. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan và Singapore.

Theo quy hoạch, tổng diện tích đất lúa tỉnh đến năm 2020 là 33 ngàn ha, trong đó đất chuyên trồng lúa (2 vụ trở lên) 31 ngàn ha, đất trồng lúa nước còn lại (lúa 1 vụ hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ tôm) là 2 ngàn ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8 cánh đồng lớn, tập trung ở các huyện Ba Tri (Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, An Bình Tây, An Ngãi Trung); huyện Bình Đại (Châu Hưng); huyện Giồng Trôm (Phong Nẫm, Phong Mỹ và Bình Thành) với tổng diện tích là 1.884ha. Tuy nhiên, hiện tại, diện tích mô hình cánh đồng lớn còn rất ít và khó duy trì.

Mô hình lúa sạch tại Thạnh Phú khá hiệu quả. Tổng lợi nhuận của người dân tham gia hợp tác xã khi thực hiện mô hình đạt 26 triệu đồng/ha, cao hơn 9 triệu đồng đối với hộ không tham gia. UBND huyện Thạnh Phú đã có chủ trương nhân rộng mô hình toàn huyện với diện tích lúa - tôm khoảng 6.000ha.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết, thực hiện Kết luận số 53, huyện đã giảm từ 4 ngàn ha xuống còn dưới 2 ngàn ha và đến năm 2020, sẽ giảm còn 1,5 ngàn ha lúa, tập trung các xã Phong Mỹ, Phong Nẫm. Gắn với quy hoạch này, huyện sẽ trồng xen màu để thực hiện mô hình lúa - màu kết hợp chăn nuôi (chủ lực là con bò).

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Do đặc thù về điều kiện sản xuất, cây lúa được xác định là một trong những cây trồng chính của tỉnh nhưng không phải là đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, việc triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW được lồng ghép chung với thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất cần thiết”.

Tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện nghiên cứu tuyển chọn giống lúa chống chịu mặn thích nghi vùng canh tác lúa chịu ảnh hưởng mặn ven biển của tỉnh; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa, mương vườn dừa và luân canh tôm sú sinh thái và xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên vùng canh tác tôm - lúa huyện Thạnh Phú.

Diện tích lúa toàn tỉnh giảm 30 ngàn ha trong 10 năm (2008 - 2018). Ảnh: Cẩm Trúc

Chiến lược phát triển nông nghiệp

Nhân tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, bám sát 4 vấn đề lớn mà Kết luận số 53 đề ra. Đó là việc đảm bảo an ninh lương thực gắn với tổ chức lại các vùng trọng điểm để sản xuất hàng hóa và đổi mới các kênh phân phối. Đồng thời, đánh giá mức độ ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, chế biến sau thu hoạch. Nhân rộng những mô hình hiệu quả, đảm bảo đáp ứng an ninh lương thực tốt hơn, xây dựng thương hiệu xuất khẩu. Cần đánh giá cả hai mặt về đảm bảo an ninh lương thực và tính hiệu quả; từ đó làm cơ sở cho tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển trong thời gian tới.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh lãnh đạo, tập trung đầu tư điều hành phát triển nông nghiệp, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Đối với cấp ủy, các huyện, thành phố, các tổ chức đảng, các ngành phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trên. Có hai nhiệm vụ cụ thể trước mắt là các cấp ủy, lãnh đạo nghiên cứu chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - đó là thị trường ở đâu, ai sẽ mua hàng, mẫu mã thế nào để quay về tổ chức sản xuất.

“Các ngành chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp tục phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các chuỗi này cũng phải bắt đầu từ thị trường, khách hàng, doanh nghiệp rồi mới đến hợp tác xã, hộ sản xuất”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm đất lúa, tăng đất trồng dừa, cây ăn trái và thủy sản. Nhiều mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang sản xuất cây giống đạt giá trị cao từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN